Nam Định: Cần sớm làm rõ vụ việc vỡ hụi tiền tỷ khiến người dân điêu đứng
(ĐCSVN) - Dựa vào lòng tin cậy của người dân, chủ hụi không chỉ kêu gọi mọi người tham gia chơi hụi, mà còn đi đến nhiều hộ vay tiền về phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Để rồi khi vỡ hụi, cuộc sống của những người góp tiền cho chủ hụi bị đảo lộn, như ngồi trên đống lửa...
Đó là câu chuyện đang diễn ra trên địa bàn xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Chủ hụi là vợ chồng Nguyễn Văn Xuyên và Đoàn Thị Vân (tên thường gọi và Mền).
Theo một số người dân địa phương cho biết, số tiền vỡ hụi lên đến gần chục tỷ đồng, gây rúng động dư luận trong thời gian qua. Điều đáng nói là, sau khi công bố vỡ hụi, chủ hụi Xuyên - Vân đã rời khỏi địa phương.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nạn nhân của vợ chồng Xuyên - Vân chủ yếu là những người làm nông, kinh doanh nhỏ lẻ,… Người nhiều nhất góp gần 1 tỷ đồng, người ít nhất khoảng 100 triệu đồng.
Là một trong số hàng chục nạn nhân của vụ việc, ông Đoàn Văn Khải (xóm 4, xã Nam Điền) cho biết: Tôi với cô Vân là người nhà, nên cũng tin tưởng nhau, không để ý và nghi ngờ gì hết. Gia đình tôi tham gia chơi hụi với số tiền là 170 triệu đồng. Đến khi vỡ hụi thì cô Vân có mời tôi sang gán bộ bàn ghế mà gia đình cô đang dùng, được mua với giá 20 triệu đồng, nhưng cô Vân "hét" giá lên... 100 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Khải bên bộ bàn ghế giá trị thực tế khoảng 20 triệu đồng mà chủ hụi gán nợ
cho gia đình với trị giá 100 triệu đồng.
Bà Trần Thị Yến (xóm 1, Nam Điền) cho biết, gia đình bà đều làm nông. Số tiền 92 triệu đồng được gia đình tích góp để tham gia chơi hụi với hy vọng có thêm tiền lãi trang trải cuộc sống. Thế nhưng, tiền gốc không lấy được, lãi cũng không có. Gần trăm triệu bạc... bỗng chốc mất trắng.
“Đến lúc gia đình làm nhà, tôi có sang nhà cô Vân nói chuyện để lấy lại tiền, thì cô Vân cứ thất hứa hết lần này đến lần khác. Đến khi vợ chồng Xuyên - Vân công bố vỡ hụi, tôi như bị sét đánh ngang tai, người như điên dại đi vì biết rằng, số tiền bao năm gom góp khó lòng mà thu hồi lại được” – Bà Yến buồn rầu chia sẻ.
Ông Trần Văn Nam (xóm 5, Nam Điền) tham gia chơi hụi đã được 4 năm nay, chưa bao giờ gặp sự cố gì. Đến khi chủ hụi tung tin bị vỡ hụi, ông choáng váng. Số tiền hơn 320 triệu đồng tham gia chơi hụi không chỉ có tiền của riêng ông mà còn là tiền của con cháu do ông kêu gọi cùng tham gia góp vốn, để rồi giờ ... mất “cả chì lẫn chài”.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, ông Đàm Xuân Nguyện - Trưởng Công an xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định xác nhận: Vụ vỡ hụi xảy ra tại địa phương là có thật. Theo hồ sơ thì có 27 hộ tham gia góp hụi với số tiền hơn 5 tỷ đồng, ngoài hồ sơ sẽ còn có phát sinh thêm nữa. Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang xác minh số công nợ của các hộ dân đã góp tiền vào hụi và xác minh số nợ của vợ chồng Xuyên - Vân khai báo. Riêng ông Nguyễn Văn Xuyên (chồng của bà Vân), là Công an viên của xã Nam Điền, sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, ông Xuyên đã làm đơn xin nghỉ việc. "Do sự việc vượt quá thẩm quyền của chính quyền xã nên chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an huyện Nghĩa Hưng điều tra. Hiện Công an huyện Nghĩa Hưng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc" - ông Đàm Xuân Nguyện nói.
Cũng theo ông Nguyện, hiện tại trên địa bàn xã Nam Điền không chỉ có vợ chồng Xuyên - Vân vỡ hụi mà còn có 3 chủ hụi khác cũng thông báo vỡ hụi, nhưng họ không rời địa phương và hứa sẽ trả lại số tiền cho những người chơi hụi.
Điều đáng nói ở vụ việc trên, chủ hụi Xuyên - Vân tổ đã chức chơi hụi trong một thời gian dài (theo xác nhận của nạn nhân vỡ hụi Trần Văn Nam là 4 năm), thậm chí có dấu hiệu "xảo quyệt" khi tạo dựng được lòng tin trong một số nạn nhân cho vay. Đến khi vụ việc bung ra thì thiệt hại cho người dân đã lên đến tiền tỷ...
Thời gian qua, chuyện vỡ hụi ở một số địa phương đã không còn là chuyện hiếm. Vụ nhỏ thì một vài tỷ đồng, vụ lớn hàng chục tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn. Cụ thể như, khoảng giữa tháng 8/2016, tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra vụ vỡ hụi với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng đã khiến gần 30 người chơi hụi bàng hoàng; ngày 04/8/2016, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã xảy ra vụ vỡ hụi 4,6 tỷ đồng với hơn 70 hộ dân là nạn nhân; tháng 4/2016 tại xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xảy ra một vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hơn 26 tỉ đồng; tháng 3/2016 tại chợ Phủ Diễn và chợ thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) xảy ra vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng...
Có thể thấy, những chiêu trò để những chủ hụi huy động tiền của người cho vay không thay đổi nhiều về phương thức. Thường là lợi dụng lòng tin, lòng tham của một số người; lợi dụng mối quan hệ bạn bè thân thiết, thậm chí anh em trong họ mạc để huy động vốn một cách bất minh. Khi lượng tiền đủ lớn, chủ hụi thường dùng "chiêu" công bố vỡ nợ, bỏ trốn, có kẻ còn trây ì mặt đứng ra hứa hẹn sẽ trả nợ dần....tất cả nhằm mục đích chiếm dụng vốn, và nghiêm trọng hơn là chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin. Có những chủ hụi còn tỏ ra tinh vi khi thiết lập và hợp thức hóa các mối quan hệ vay mượn hòng lách luật để né trách sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hồi chuông cảnh báo đã thực sự gióng lên từ vô số những vụ vỡ hụi ở nhiều địa phương, và nay là vụ việc xảy ra ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Ngôi nhà hai tầng của chủ hụi Xuyên - Vân đóng cửa nhiều tháng nay.
Những mảnh giấy biên nhận vay tiền giữa chủ hụi Xuyên - Vân với người dân cho vay tuy sơ sài
nhưng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trước vụ việc có tính chất phức tạp trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, Công an tỉnh Nam Định sớm điều tra vụ việc nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời làm rõ hành vi của những người chủ hụi lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản của công dân. Cạnh đó, cần truy trách nhiệm cụ thể những cơ quan chức năng liên quan trong công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tại sao lại để một vụ chơi hụi có đầy dấu hiệu bất thường hoạt động suốt một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời(?!)
Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”