Nắm chắc thị trường để tạo bứt phá
(ĐCSVN) - Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam khi phải đối mặt với những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và xâm nhập mặn tại ĐBSCL tác động đến nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm,… Do vậy, bước sang năm 2021, đòi hỏi ngành thủy sản cần nỗ lực toàn diện, nắm chắc diễn biến thị trường để tạo bứt phá về kim ngạch xuất khẩu.
Ngành thủy sản cần nắm vững về nhu cầu của các thị trường để tạo bứt phá về giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN) |
Một năm đầy thách thức
Năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới. Hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời. Đi cùng với đó là hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá đang nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương,… giảm do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.
Trong khi đó, hoạt động khai thác thủy sản cũng gặp khó khăn do thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không thuận lợi khi liên tục chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản gặp nhiều thách thức về mặt thị trường do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới. Trung Quốc mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nhiên liệu trong nước, thậm chí phục vụ xuất khẩu làm tăng khả năng canh tranh với cá tra Việt Nam. Các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản của Việt Nam.
Riêng với ngành hàng cá tra, bắt đầu xu hướng giảm từ tháng 3/2019 đến nay sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Với đặc thù các dòng sản phẩm cá tra là food-service nên khi thế giới áp dụng lệnh cách ly xã hội do dịch COVID-19, đóng hàng loạt cửa hàng, trường học và đặc biệt khi Trung Quốc thông báo tìm thấy virus Corona trên bao bì sản phẩm đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu cá tra càng giảm mạnh. Hơn nữa, tình hình xâm nhập mặn kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 5/2020 đã làm giảm hiệu quả sản xuất do tỉ lệ hao hụt từ công đoạn giống lên thương phẩm cao.
Do phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc, trong năm 2020, ngành thủy sản chỉ đạt kim ngạch giá trị xuất khẩu 8,4 tỷ USD, thấp hơn 1,8% so với năm 2019.
Nắm chắc thị trường để bứt phá trong năm 2021
Mặc dù năm 2020, ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến giá trị xuất khẩu không được như kỳ vọng. Tuy nhiên trong các tháng cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 đã bắt đầu được khống chế, sản lượng thủy sản bắt đầu tăng trở lại, tốc độ tăng trưởng đạt khá, đặc biệt đối với ngành hàng cá tra và tôm nước lợ, giá trị kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu tăng trở lại, làm tiền đề cho tăng trưởng năm 2021.
Bước sang năm 2021, nhận định ngành thủy sản sẽ có nhiều cơ hội để tăng kim ngạch xuất khẩu khi dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế và lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp ngành thủy sản có thêm nhiều thuận lợi để phấn đấu đạt các mục tiêu.
Trên cơ sở đó, ngành thủy sản hướng đến, trong năm 2021, phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2020 với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,5 triệu tấn. Đặc biệt, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu, Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021, ngành thủy sản sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị đi cùng với hình thành các chuỗi liên kết để bảo toàn về chất lượng và phục vụ chế biến sâu. Đồng thời, quan tâm đến việc xây dựng khung lịch mùa vụ, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Trên lĩnh vực khai thác thủy sản, theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân.
Cùng với việc quan tâm đến sản xuất trong nước, ngành thủy sản cần nắm chắc về tình hình các thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thủy sản. Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), với thị trường Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ không tăng về lượng trong thời gian tới. Cơ cấu mặt hàng vẫn sẽ chuyển sang những sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng ở nhà, dễ chế biến... Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu của Việt Nam tới Nhật Bản trong năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Dù vậy, Việt Nam cũng đang có ưu thế khi đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng này.
Bên cạnh đó, với thị trường Mỹ, dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của nước này tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng.
Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này trong những tháng năm 2021 chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Hiện, phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Do vậy, về vấn đề này, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường thủy sản cũng đưa ra khuyến cáo, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Nga. Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.
Ngoài ra, đối với mặt hàng cá ngừ, nguồn cung mặt hàng này bị ảnh hưởng lớn trong tháng 10/2020 và những cơn bão đã tác động tới khả năng xuất khẩu cá ngừ trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi nguồn cung dần trở lại ổn định. Do đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường Ai Cập và Israel.
Đối với mặt hàng cá tra, nguồn cung cá tra đang dần ổn định, đầu ra cho sản phẩm cá tra cũng ít bị gián đoạn như giai đoạn quý II và quý III/2020. Vì vậy, giai đoạn đầu năm 2021 là thời điểm để các doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa tới những thị trường lớn và truyền thống.
Với việc nắm vững nhu cầu và thị hiếu của các thị trường trong năm 2021 và tận dụng từ các lợi thế từ các hiệp định tự do mang lại, hy vọng ngành thủy sản sẽ có những “bứt phá” mới về kim ngạch giá trị xuất khẩu trong năm 2021./.