Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 2023, nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng được chuyển giao cho địa phương

Thứ Sáu, 19/01/2024 22:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2023, các nhà khoa học Viện Hàn lâm đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể…

  PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Bích Liên)
Chiều 19/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến xã hội.

Hơn 1.700 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế

Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, năm 2023, Viện Hàn lâm đã công bố tổng số 2.211 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích.

Số lượng các công trình công bố quốc tế của Viện Hàn lâm năm 2023 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 1.738 công trình, chiếm 78,6 % tổng số công trình công bố. Số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao đạt 1.379 công trình, chiếm tỉ lệ 79%. So với các năm gần đây và của cả giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng và số lượng của các công trình công bố vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh số lượng cán bộ nghiên cứu giảm theo kế hoạch tinh giản biên chế của Viện Hàn lâm (giảm 10% giai đoạn 2016 - 2020 và giảm tiếp 10% giai đoạn 2022 - 2026).

Ngoài ra, năm 2023, Viện Hàn lâm tiếp tục tổ chức vinh danh các Công trình công bố xuất sắc trong năm cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau do các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm thực hiện. Viện đã lựa chọn được 9 công trình công bố xuất sắc theo các lĩnh vực Toán học - Công nghệ thông tin, Cơ học - Vật lý - Công nghệ vũ trụ, Hóa học, Công nghệ sinh học, Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Khoa học vật liệu, Khoa học Trái đất, Khoa học Biển, Môi trường - Năng lượng.

 Bên cạnh đó, các đơn vị và cá nhân trong Viện Hàn lâm đã nhận được nhiều giải thưởng cấp Quốc gia và quốc tế như nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 của L’Oreal - UNESCO, giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng và 02 công trình khoa học được vinh danh tại 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2023 do Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn.

 Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng cho biết, trong năm qua, Viện cũng tích cực triển khai Chương trình phát triển vật lý đến năm 2025, Chương trình Toán học, Chương trình phát triển nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực hoá học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025, Chương trình chuyển đổi số và Chương trình Công nghệ 4.0, Chương trình tăng trưởng xanh... Hai trung tâm khoa học quốc tế duy nhất ở Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ là Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế về Toán học không ngừng phát huy được những thế mạnh về nghiên cứu cơ bản của Viện trong lĩnh vực Toán học, Vật lý.

 Các hoạt động điều tra cơ bản luôn là một trong những thế mạnh của Viện Hàn lâm. Hệ thống trên 100 đài trạm của Viện Hàn lâm trải rộng trên khắp lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam quan trắc các yếu tố môi trường tự nhiên, tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định. Năm 2023, các hoạt động điều tra cơ bản được triển khai tốt và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát hiện được nhiều loài mới, thu thập được các mẫu có giá trị.

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục được Viện Hàn lâm chú trọng đẩy mạnh. Viện đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các văn bản, chính sách, quy chế, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ.

 Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng được chuyển giao cho địa phương

 Đặc biệt, năm 2023, Viện đã được cấp 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 03 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Ngoài ra, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, điển hình như ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong phần mềm dịch ngôn ngữ hiếm của Viện Công nghệ thông tin, công nghệ sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu, công nghệ sơn phản xạ nhiệt của Viện Kỹ thuật nhiệt đới, hay ứng dụng công nghệ sinh học vào trong ngành nông nghiệp, thủy sản như lai tạo thành công đàn cá nemo có giá trị cao trong ngành sinh vật cảnh trong nước và xuất khẩu, lai tạo bê lai F1, tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân… Năm 2023, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 718 hợp đồng khoa học công nghệ.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Bích Liên)

 Theo lãnh đạo Viện Hàn lâm, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học đạt chuẩn quốc tế, các cơ sở đào tạo tại Viện tiếp tục triển khai một số chương trình đào tạo quốc tế. Nổi bật là chương trình “Đào tạo Tiến sĩ chất lượng quốc tế" của Học viện Khoa học công nghệ, chương trình song bằng trình độ đại học của Trường Đại học công nghệ. Đặc biệt, vừa qua trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) chứng nhận đạt chuẩn kiểm định Châu Âu cho cơ sở đào tạo đại học giai đoạn 2023 - 2028.

Đối với công tác thông tin, truyền thông và xuất bản, trong năm 2023 có 12/12 tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm quản lý được xuất bản 100% bằng tiếng Anh, đạt theo đúng theo lộ trình đề ra. Trong đó, 5/12 Tạp chí có trong danh sách chỉ mục hệ thống Web of Science, 6/12 Tạp chí có tên trong chỉ mục trong hệ thống Scopus và 8/12 tạp chí đạt tiêu chuẩn khu vực Asean.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng rất chú trọng và nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao như: Nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. Năm 2023, Mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia do Viện Vật lý địa cầu vận hành đã ghi nhận được 343 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 5.4 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam; công tác vận hành hoạt động ổn định và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1 trên quỹ đạo thực hiện tốt.

Sau 10 năm hoạt động, vệ tinh VNREDSat-1được đánh giá cao về khả năng hoạt động; vệ tinh đã chụp, truyền về mặt đất trên 155 nghìn cảnh ảnh, kích thước 17,5km x 17,5km trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cũng như các khu quan tâm trên thế giới, góp phần tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ cũng như an ninh quốc phòng.

Trong việc thực hiện Đề án 515 quy tập và định danh liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong năm qua, Trung tâm giám định ADN đã thu thập và tiếp nhận tổng cộng 481 mẫu hài cốt liệt sĩ từ 15 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và bảo quản 6.264 mẫu hài cốt liệt sĩ.

Ngoài ra, các dự án khác như: Đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội; Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam; Dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam... đều đang  được tích cực triển khai thực hiện.

Tại buổi họp báo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, năm 2023, các hoạt động điều tra cơ bản được triển khai tốt và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục được Viện Hàn lâm chú trọng đẩy mạnh. Viện đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các văn bản, chính sách, quy chế, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ…/.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN