Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

NAFIQPM hướng tới trở thành chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp, người dân

Thứ Sáu, 30/08/2024 14:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm "30 năm Hành trình chất lượng nông lâm thủy sản" của Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (NAFIQPM), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, từng cán bộ, chuyên viên của NAFIQPM hãy suy nghĩ theo bối cảnh mới, tiến tới trở thành một chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp, người dân.

Bộ trưởng Bộ NNPTTN Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (NAFIQPM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức Lễ kỷ niệm "30 năm Hành trình chất lượng nông lâm thủy sản" (26/8/1994 – 26/8/2024). Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQPM cho biết, sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống NAFI trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và điểm tựa vững vàng cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

"30 năm kể từ khi thành lập, NAFIQPM đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều đó được chứng minh rõ nét thông qua các chỉ số an toàn thực phẩm, chất lượng được cải thiện: Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, mức an toàn thực phẩm năm 2023 đã được cải thiện đáng kể so với năm 2016 - năm Quốc hội tổ chức giám sát tối cao và đưa ra nhiều quyết sách cải thiện an toàn thực phẩm (tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm gia tăng từ 91% lên 99%" - ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

 Toàn cảnh buổi Lễ.

Không chỉ kiểm soát tốt an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước, NAFIQPM còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, nhất là các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, để cập nhật thông tin thị trường, qui định mới của quốc gia nhập khẩu và chủ động đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại để nông sản Việt ngày càng mở rộng toàn cầu.

Nhờ vậy, Ủy ban Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam được xuất khẩu thủy sản sang EU, Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận Việt Nam có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá da trơn hoàn toàn tương đương với Mỹ; Bộ NNPTNT và NAFIQAD đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với các quốc gia như: Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Liên bang Nga, Indonesia, Argentina...; tạo điều kiện để nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ; số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2024, ước xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD tăng 18,6% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận những đóng góp của NAFIQPM. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nhiệm vụ những ngày đầu của hệ thống NAFI là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa thủy sản chinh phục vào những thị trường khó tính như EU. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị xuất khẩu, có lẽ cần phải dành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến hệ sinh thái sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao tặng Cờ thi đua của Bộ NNPTNT cho Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp.

Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục, theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi. Song song với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thậm chí xử phạt những vụ việc mất an toàn thực phẩm, còn phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Thời gian qua, NAFIQPM tiến hành kiện toàn lại tổ chức. Trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi từng cán bộ, chuyên viên NAFIQPM hãy suy nghĩ theo bối cảnh mới, tiến tới trở thành một chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp, người dân. "Nên thay đổi suy nghĩ, doanh nghiệp giờ là đối tác, đồng hành với cơ quan quản lý. Có nhiều việc, doanh nghiệp tiếp cận và phản ứng rất nhanh nhạy", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trong tên gọi của NAFIQPM, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần làm nổi bật hơn nữa vai trò "phát triển thị trường", bởi thị trường là đích đến, nhưng cũng là yếu tố đầu vào, định hình, cơ cấu lại sản xuất. Việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn nên chia nhỏ thị trường, nêu bật đặc điểm của từng thị trường, kết hợp với những kinh nghiệm kinh doanh sẵn có của doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, NAFIQPM đã định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới tập trung vào 4 "trụ cột": Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng; chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tặng Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. 

Để triển khai định hướng chiến lược nêu trên, NAFIQPM xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ưu tiên nguồn lực triển khai trong thời gian tới, gồm:

Một là, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ, gắn kết công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến gia tăng giá trị với phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm làm cơ sở xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực.

Ba là, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, mở rộng và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Bốn là, chuyển mạnh phương thức quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm tra, thanh tra đột xuất, phối hợp liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố chất lượng, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại tạo môi trường bình đẳng thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Năm là, chủ động phối hợp với các đơn vị trong đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Sáu là, tăng cường cập nhật, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định của thị trường và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Tin, ảnh: Kim Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN