Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mỹ tiếp tục hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu

Thứ Hai, 01/11/2021 15:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 31/10, Mỹ cùng các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác đã hối thúc các nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác sản xuất dầu (OPEC+) tăng sản lượng.

Mỹ hối thúc nhóm OPEC+ tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tỏ ra quan ngại sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 10 về khả năng giá dầu thế giới sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng.

Tháng trước, đại diện của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu tiếp xúc với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khác, cũng như với các thành viên của OPEC+. Các cuộc tiếp xúc này đã tăng lên trong những ngày gần đây sau khi giá  dầu vượt mức 85 USD/thùng.

Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau COVID-19, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021 được cho là dẫn đến giá cả tăng mạnh. Một lý do khác khiến giá dầu quốc tế tăng mạnh là do OPEC+ duy trì các hạn chế về nguồn cung.

Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô như thỏa thuận đạt được trước đó tại cuộc họp chính sách trực tuyến diễn ra ngày 4/10 vừa qua.

Theo đó, tại cuộc họp, 23 thành viên của OPEC+ đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp việc các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới kêu gọi liên minh này tăng thêm nguồn cung ra thị trường.

Giám đốc nghiên cứu Damien Courvalin của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định, giá dầu sẽ ở mức cao trong vài năm tới đây, khi nhu cầu tăng mạnh mà nguồn cung vẫn thắt chặt.

Nhiều nhà phân tích và ngân hàng đầu tư trên thế giới cũng chung nhận định rằng giá dầu có thể chạm mức 100 USD nếu thời tiết mùa đông năm nay lạnh hơn. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đang buộc nhiều doanh nghiệp ở châu Âu và châu Á chuyển sang dùng các sản phẩm dầu thay thế khí. Vì thế, nhu cầu về dầu thô cũng tăng theo.

Các chuyên gia OPEC+ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng/ngày, tăng so với con số dự báo trước đó 3,28 triệu thùng/ngày. Điều này được cho là có thể OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu trong tương lai.

Trước đó, tháng 8 vừa qua, giới chức Mỹ cũng hối thúc nhóm OPEC+ tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng, mức tăng sản lượng dầu theo kế hoạch của những nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới là không đủ vào thời điểm quan trọng hiện nay khi các nền kinh tế bắt đầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Ông cảnh báo nếu không được kiểm soát tại các thị trường có tính cạnh tranh cao, giá dầu cao hơn có nguy cơ đe dọa sự phục hồi toàn cầu đang diễn ra. Quan chức Mỹ khẳng định OPEC+ cần hành động  nhiều hơn nữa để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, tại phiên giao dịch sáng ngày 1/11 (giờ Việt Nam), giá dầu đã quay đầu giảm sau khi Trung Quốc xuất xăng và dầu diesel từ kho dự trữ để gia tăng nguồn cung.

Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,42 USD/thùng tương ứng 0,5% xuống mức 83,15 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 0,26 USD/thùng tương ứng 0,31% xuống mức 83,46 USD/thùng.

Cơ quan Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã xuất xăng và dầu diesel từ kho dự trữ để tăng nguồn cung cho thị trường, cũng như hỗ trợ ổn định giá cả ở một số khu vực./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN