Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mỹ thông báo rút nhân sự khỏi Ukraine

Thứ Hai, 14/02/2022 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Mỹ đang lên kế hoạch rút toàn bộ nhân sự khỏi Kiev trong vòng từ 24-48 giờ tới trong bối cảnh “chảo lửa” ở khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây là thông tin do kênh tin tức CBS News của đài truyền hình Mỹ CBS đăng tải ngày 13/2, dựa trên những nội dung trích dẫn từ các nguồn tin mà hãng này thu thập được.

Một binh sỹ trong Đơn vị Lực lượng Đặc biệt Azov, thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đang tham gia cuộc huấn luyện chiến đấu cơ bản ở Mariupol, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 13/2/2022. (Ảnh: VADIM GHIRDA/AP)

Theo CBS News, chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên không làm nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Kiev. Cuối tuần trước, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã đăng trên Twitter nội dung của các bản báo cáo liên tiếp về sự huy động lực lượng của Nga tại khu vực biên giới với Ukraine, trong một tín hiệu cho thấy “nguy cơ về một hành động quân sự quan trọng”. Trong bối cảnh trên, các dịch vụ lãnh sự tại Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cũng đã tạm ngừng vào ngày 13/2.

Cuối tuần trước, Thư ký báo chí của Lầu Năm góc, ông John Kirby cho biết, 160 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida đã tới Ukraine từ tháng 11/2021 với nhiệm vụ cố vấn và đào tạo cho các lực lượng Ukraine - sẽ được điều động tới nơi khác ở châu Âu trong tình trạng hết sức thận trọng.

Trong khi đó, Mỹ đang triển khai các lực lượng bổ sung để tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Cuối tuần trước, Lầu Năm góc thông báo kế hoạch gửi thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan. Số binh sĩ này sẽ phối hợp cùng lực lượng 3.000 binh sỹ đang ở sẵn Ba Lan và ở Romania, để củng cố sức mạnh đồng minh nếu như Nga quyết định “hành động” trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng khẳng định rõ ràng lập trường rằng, Mỹ sẽ không điều binh sỹ tới Ukraine để chống lại Nga hay thậm chí là giúp sơ tán công dân khỏi Ukraine.

Trong thời gian trở lại đây,  Mỹ cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị nếu tấn công Ukraine. Theo tính toán của giới chức Mỹ, hiện Nga đã triển khai khoảng 80% lực lượng cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào nước láng giềng Ukraine, trong khi số lực lượng còn lại đang tiếp tục được điều động. Hơn 100.000 binh sỹ Nga đang tập trung ở khu vực dọc biên giới Ukraine theo hướng Đông của Nga và phía Bắc Belarus.

Tổng thống Mỹ, Ukraine điện đàm

Cũng trong ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thảo luận về một số nội dung quan trọng, gồm cách thức hạ nhiệt căng thẳng xung quanh tình hình Ukraine và các biện pháp tăng cường ổn định năng lượng, tài chính cho Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng.

Nhân cuộc điện đàm, ông Zelensky khẳng định Ukraine nhận thức rõ về tình hình căng thẳng hiện nay và sẵn sàng trước mọi kịch bản. Tổng thống Zelensky cũng mời ông J.Biden sang thăm Ukraine, tin rằng sự kiện này sẽ giúp phát đi một thông điệp mạnh mẽ và góp phần làm giảm căng thẳng.

Về phần mình, Tổng thống J.Biden tái khẳng định cam kết nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác để đưa ra hành động nhanh chóng, quyết đoán trước bất kỳ hành vi khiêu khích nào do Nga thực hiện nhằm chống lại Ukraine.

Theo thông tin do Nhà Trắng cung cấp cho báo chí, nhân cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp ngoại giao, đồng thời răn đe trước việc Nga điều động lực lượng tới khu vực biên giới với Ukraine.

Ukraine yêu cầu Nga giải thích về việc điều động lực lượng tới khu vực biên giới

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. (Ảnh: EPA-EFE/SOPHIA SHOVIKOVA)

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, ngày 13/2 đã đề nghị gặp Nga và các bên ký kết văn kiện Vienna trong 48 giờ tới để thảo luận về diễn biến xung quanh việc Nga có động thái điều động binh sĩ tới khu vực biên giới Ukraine.

Nhà ngoại giao Ukraine cáo buộc Nga không thực thi các đề nghị mà nước này đưa ra trong văn kiện Vienna, kéo theo phản ứng từ Ukraine. Chính vì thế, Ukraine đề nghị gặp gỡ với các đại diện Nga và các bên ký kết văn kiện Vienna trong vòng 48 giờ tới để thảo luận về các động thái triển khai lực lượng ở khu vực biên giới Ukraine và hành động của Nga mà Ukraine cho là “tạm xâm chiếm Crimea”.

Nga tiếp tục theo đuổi đối thoại với phương Tây về vấn đề Ukraine

Trong nhiều ngày qua, những nỗ lực ngoại giao con thoi vẫn diễn ra tích cực, hé lộ triển vọng dù còn mờ nhạt trong giải quyết vấn đề Ukraine. Theo dự kiến, vào ngày 15/2, Tổng thống Nga sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Moscow để thảo luận về vấn đề này. Nga và Đức là hai nước có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, với việc Nga đóng vai trò là bên cung cấp khối lượng lớn khí đốt tự nhiên cho bên còn lại. Trong ngày 14/2, ông Olaf sẽ tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine.

Cuối tuần trước, Tổng thống Putin đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ J.Biden về tình hình Ukraine. Phát biểu họp báo sau cuộc điện đàm mới nhất giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết ông vẫn chưa nhận thấy kết quả trong cuộc điện đàm lần này. Tuy nhiên, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ vẫn được đánh giá mà một diễn biến mang tính chất tích cực khi hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN