Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga

Thứ Tư, 09/03/2022 14:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga như một biện pháp gia tăng trừng phạt sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, động thái nhằm gia tăng trừng phạt trong bối cảnh Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. (Ảnh: Arab News)

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đây là động thái nhằm vào “huyết mạch kinh tế của Nga”. Ông Biden cho biết, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga không chỉ bao gồm dầu mỏ mà còn cả khí đốt. "Chúng tôi sẽ cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và năng lượng của Nga. Điều đó đồng nghĩa dầu mỏ Nga sẽ không được tiếp nhận tại các cảng biển của Mỹ", ông Biden tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ vốn đang phải đối mặt với giá nhiên liệu tăng vọt. Tuy nhiên, ông Joe Biden cam kết làm mọi cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân. Ông cũng cảnh báo các công ty xăng dầu Mỹ không lợi dụng tình hình để kiếm lời hoặc đội giá lên cao.

Mỹ nhập khẩu trung bình 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga mỗi tháng trong năm 2021, chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào nước này.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ cũng như tăng thuế đối với các hàng hóa khác của Nga. Tuy nhiên theo bà Pelosi, cần có các bước để giảm giá dầu, bao gồm việc giải phóng thêm dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Hiện, giá xăng dầu tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo, “việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu". Theo đó, giá dầu có thể tăng lên đến 300 USD/thùng. Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ của Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay, việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Mỹ - phương Tây bắt đầu xuất hiện những bất đồng

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc tham vấn trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc ban bố lệnh cấm với dầu mỏ và khí đốt của Nga, song vấn đề này dường như không nhận được sự ủng hộ từ phía các đồng minh phương Tây.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU sẽ không áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. EU không theo Mỹ về vấn đề này và liên minh liên tục tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế.

Trong thông cáo phát đi sau cuộc hội đàm ngày 8/3, Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này bảo lưu quan điểm chưa áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ, khí đốt, và than đá của Nga, đồng thời nhấn mạnh việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga là “cần thiết” để đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu. “Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho việc sản xuất nhiệt điện, di chuyển và các ngành công nghiệp của châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách thức nào khác ngoài việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Điều này có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công cộng và đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân ở châu Âu”, thông báo nêu rõ.

Tại cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu rõ thực tế châu Âu vẫn phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga. Do đó, việc cấm các công ty châu Âu ngừng hợp tác với Nga ngay lập tức có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Hà Lan cũng khẳng định cần nhiều thời gian mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào dầu và khí đốt từ Nga.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Washington nhận thấy cần phải xem xét lệnh cấm này từ góc độ riêng của từng nước thay vì áp dụng đồng bộ cùng các đồng minh, nhấn mạnh tình hình ở EU khác với Mỹ trong vấn đề năng lượng. Trong khi các nước châu Âu còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga thì Mỹ có những nguồn tự cung đáng kể riêng. “Mỹ nhập khẩu dầu khí Nga ít hơn nhiều so với châu Âu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có năng lực sản xuất dầu lớn hơn”, bà Jen Psaki cho hay.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU đã nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này.

Tuy nhiên, các nước phương Tây hiện cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/3 nói rằng, EU cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng.

Bà Ursula von der Leyen nói: “Năng lượng vẫn là một trong những vấn đề quan trọng. EU phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Để làm được điều này, chúng ta cần đa dạng hóa nguồn cung, đạt kết quả tốt hơn về hiệu quả năng lượng và chúng ta phải tích cực đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo”./.

H.Hà (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN