Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mưa ngập trên diện rộng ở TP Hồ Chí Minh, nhiều nơi xuất hiện mưa đá

Thứ Sáu, 14/06/2024 18:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mưa ngập trên diện rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nơi xuất hiện mưa đá; Hà Nội thông tin về vụ việc giáo viên "bị bùng tiền hỗ trợ đào tạo học thạc sỹ”; Đức triển khai lượng cảnh sát kỷ lục đối phó hooligan tại Euro 2024... là những thông tin đáng chú ý trong ngày 14/6

Mưa ngập trên diện rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nơi xuất hiện mưa đá

Chiều 14/6, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhiều khu vực xuất hiện mưa đá.

Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, mưa quá lớn khiến nước không thoát kịp, gây ngập cục bộ và làm nhiều phương tiện giao thông chết máy. Mưa nặng hạt kèm dông, lốc mạnh khiến nước nhanh chóng dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường, có nơi nước ngập gần hết bánh xe môtô. Đến gần 17 giờ, mưa mới bắt đầu ngớt và tạnh dần.

 Đường Lưu Văn Lang (quận 1) ngập sâu trong mưa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Trên đường Lê Lai (quận 1), mưa lớn gây ngập hàng trăm mét đường đoạn trước Công viên 23 Tháng 9, nước dâng cao gần nửa bánh xe, khiến nhiều xe môtô chết máy. Các tuyến đường xung quanh khu vực Chợ Bến Thành (quận 1) cũng rơi vào tình trạng ngập sâu, đặc biệt là đường Lê Thánh Tôn ngập gần nửa bánh xe mô tô; các hộ dân phải tất bật tát nước, dựng cửa chống ngập...

Cơn mưa lớn cũng làm nhiều cây xanh ở khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đổ giữa đường hoặc đổ đè vào phương tiện giao thông. Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường 11, quận Phú Nhuận), một cây xanh cao khoảng 10m, tán rộng đã bị bật gốc, đổ chắn hết một làn đường. Tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch-Điện Biên Phủ (quận 3), nhiều nhánh cây xanh của các cây cổ thụ có kích thước dài, đường kính hơn 10cm bị gãy, nằm vương vãi nhiều nơi, đèn tín hiệu giao thông bị ảnh hưởng, mất điện. Đáng chú ý, trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), một xe ôtô bị cành cây lớn rơi trúng khiến hư hỏng nặng, rất may không xảy ra thiệt hại về người.

Đặc biệt, vào khoảng hơn 15 giờ, các quận 1, 3, 4, 8, 10... đồng loạt xuất hiện mưa đá khiến người dân hoang mang bởi Thành phố Hồ Chí Minh rất ít khi xuất hiện mưa đá. Kích thước hạt mưa đá phần lớn khá nhỏ, chỉ bằng đầu đũa hoặc một đốt ngón tay nhưng cũng có những hạt to tròn như viên bi, thậm chí lớn gần bằng nửa lòng bàn tay. Lực lượng của các đội thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quân, phối hợp các đơn vị liên quan điều tiết giao thông, hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục các sự cố nói trên.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại Thành phố Hồ Chí Minh hiếm khi xảy ra mưa đá nhưng theo thống kê, hằng năm vẫn xuất hiện 1-2 lần. Mưa đá thường xuất hiện vào ngày thời tiết oi bức, nóng sau đó có mưa. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo mưa đá rất nguy hiểm, nếu kích thước hạt đá lớn có thể gây thủng mái tôn, làm dập nát cây hoa màu, vỡ kính nhà cửa, vỡ kính xe ôtô, có thể gây thương tích cho người. Do đó, người dân cần lưu ý khi thấy xuất hiện mưa đá, cần hạn chế ra đường; nếu đang di chuyển trên đường thì tìm chỗ trú để bảo đảm an toàn. 

Hà Nội thông tin về vụ việc giáo viên "bị bùng tiền hỗ trợ đào tạo học thạc sỹ”

Ngày 14/6, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết thông tin phản ánh “63 giáo viên Hà Nội tố bị bùng tiền hỗ trợ đào tạo học thạc sỹ” là không chính xác.

Theo ông Trần Đình Cảnh, xuất phát từ yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 29/2002/NQ-HĐ ngày 19/7/2002 quy định tạm thời về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó giao Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi, người có trình độ tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

 Giáo viên Từ Thị Thoa, Trường Trung học Phổ thông Vân Tảo, là một trong số 63 giáo viên chưa được hưởng hỗ trợ đào tạo học thạc sỹ dù được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử đi học từ năm 2019. (Nguồn: Báo Người Lao Động)

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 168/2002/QĐ-UBND ngày 19/7/2002 về việc quy định tạm thời về thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao; Quyết định số 93/2003/QĐ-UB ngày 5/8/2003 về việc thành lập Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô-Thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng thành phố Hà Nội).

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng thành phố Hà Nội được thành lập nhằm mục tiêu ưu đãi, khuyến khích, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 14/1/2014 quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức và giảng viên thỉnh giảng thuộc thành phố Hà Nội. Quyết định cử đi đào tạo sau đại học của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là căn cứ pháp lý để Quỹ ưu đãi và khuyến khích đào tạo tài năng thành phố Hà Nội chi trả kinh phí hỗ trợ.

Đối với 63 trường hợp là viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo chưa được Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định cử đi học, do đó không thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học từ nguồn Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng thành phố Hà Nội. Về việc giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1230/UBND-NC ngày 25/4/2024 giao Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng thành phố Hà Nội “tiếp tục chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định cử đi đào tạo, quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học.”

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trong đó có Nghị quyết số 14/2013/NQ- HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng Nhân dân thành phố và Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 16/6/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố) trình thành phố ban hành sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh thông tin từ tập thể 63 giáo viên thuộc nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho biết từ tháng 6 đến tháng 12/2019, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định về việc cử giáo viên đi học thạc sỹ năm 2019. Sau thời gian thời gian học tập tại các trường đại học chính quy, 63 giáo viên đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng thạc sỹ theo chuyên ngành đã trúng tuyển trước đó.

Năm 2020, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triệu tập các giáo viên tới hoàn tất hồ sơ để nhận kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, sau hơn bốn năm chờ đợi, vào tháng 5/2024, 63 giáo viên thuộc diện được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử đi học thạc sỹ, đã hoàn thành chương trình học, bất ngờ nhận được thông tin không được Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo theo quy định. Theo đó, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn, đề nghị làm rõ.

Đức triển khai lượng cảnh sát kỷ lục đối phó hooligan tại Euro

Đức huy động 22.000 cảnh sát, lực lượng lớn nhất lịch sử, triển khai nhiều biện pháp đối phó hooligan, đảm bảo an ninh trong Euro 2024.

Trong một tháng diễn ra Euro 2024, Đức dự kiến đón gần 15 triệu người hâm mộ bóng đá đổ đến 10 sân vận động và hàng loạt địa điểm trên toàn quốc, trong đó có những cổ động viên quá khích, còn gọi là hooligan. Để đảm bảo an ninh, Đức đã triển khai khoảng 22.000 cảnh sát túc trực hàng ngày trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Đây là đợt triển khai lực lượng lớn nhất kể từ khi cảnh sát liên bang Đức được thành lập năm 1951.

Cảnh sát Đức cũng sẽ phối hợp với 16.000 tình nguyện viên cùng 350 cảnh sát quốc tế từ Europol, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. 600 chuyên gia an ninh sẽ làm việc tại Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) mới ở Neuss, tây nam Đức, nơi có 129 máy tính và màn hình rộng 40 m2 để giám sát tình hình an ninh của sự kiện.

 Cảnh sát Đức kiểm tra khán đài sân vận động Dusseldorf trước thềm Euro 2024. Ảnh: AP

Cảnh sát Anh cũng sẽ cắt cử các nhóm sĩ quan mặc thường phục trên sân vận động, nhằm kịp thời báo về IPCC các trường hợp người hâm mộ gây rối hoặc hooligan để đưa vào danh sách đen. Quân đội Đức cũng sẽ tăng cường giám sát bầu trời và gửi mọi thông tin về IPCC, ngăn nguy cơ máy bay không người lái (UAV) tấn công. An ninh tại khu vực biên giới, ga tàu cũng được tăng cường.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi mối nguy hiểm có thể lường trước, từ hooligan, khủng bố, tội phạm mạng. Mức độ triển khai lực lượng ở mọi cơ quan an ninh đều ở mức cao. Sự hiện diện của cảnh sát sẽ là rất rõ ràng trong những ngày tới", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Feaser nói.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng xếp một số cặp đấu vào diện "rủi ro bạo lực cao". Để hạn chế nguy cơ, người hâm mộ đến sân vận động theo dõi những cặp đấu này chỉ được phép uống bia độ cồn thấp bên ngoài, mọi đồ uống có cồn đều bị cấm trên khán đài. Trận Anh gặp Serbia ngày 17/6 được xếp vào diện này. Các cặp khác có các đội Ba Lan, Croatia, Romania, Hà Lan và CH Czech góp mặt, trong đó hooligan Ba Lan khét tiếng bạo lực. Giới chức lo ngại hooligan Ba Lan và Đức có thể tìm cách gây sự với nhau.

Bà Faeser cũng cho biết chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas cũng tạo áp lực nhất định lên hệ thống an ninh Đức suốt kỳ Euro 2024. Đội tuyển bóng đá Ukraine sẽ được ưu tiên tăng cường an ninh trong thời gian ở Đức./.

PV (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN