Mưa lớn gây thiệt hại tại Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu
(ĐCSVN) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ảnh hưởng của mưa lớn trong ngày 5/8 đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu.
Tuyến giao thông từ trung tâm xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu) đi các bản bị ách tắc (Nguồn ảnh: baolaichau.vn) |
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, ảnh hưởng của mưa lớn ngày 5/8 đã làm 3 điểm sạt lở giao thông với khối lượng 116m3 đất đá (tại QL6: Km128+740; Km146; đường tỉnh ĐH65, Km5+500) tại Hòa Bình, hiện đã thông xe.
Tại tỉnh Điện Biên, có 12 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 4,15 ha lúa, cây trồng bị thiệt hại; 2.800m3 đất, đá sạt lở xuống đường, 230m chiều dài bị sạt lở, hiện đã thông xe.
Tại tỉnh Lai Châu, 4 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 1 vị trí đường giao thông bị sạt lở (Km198+289 QL.4H), hiện đã phân luồng để phương tiện đi lại; 1 vị trí đường giao thông bị nứt 40m (km14+800 ĐT129), hiện đã phân luồng hướng dẫn di chuyển theo đường khác.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Lãnh đạo địa phương đã đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý tại hiện trường; huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 6-8/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 180mm. Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.
Ngày và đêm 8/8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
Ngày và đêm 6/8, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3m.
Ngày và đêm 7/8, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao 2-3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Ngoài ra, ngày 6-7/8, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập; các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất. Trong đó, tập trung xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất theo Công điện số 08/CĐ-QG ngày 5/8/2023; văn bản số 288/VPTT ngày 1/8/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, mưa lũ, gió mạnh trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.