Cho một mùa vu lan, mùa của lòng hiếu hạnh
LTS: Mùa vu lan là thời điểm nhắc nhớ nhiều hơn về lòng hiếu thảo và lòng biết ơn. Đó là mùa của trọn hiếu nghĩa và yêu thương, là thời điểm để con cái tỏ lòng thành kính, tri ân cha mẹ, ghi tạc công nghĩa sinh thành của cha mẹ mình. Đây cũng một nét đẹp trong văn hóa nước ta.
(ĐCSVN) - Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân - Thiện - Mỹ và về với đạo của người làm con.
Thực tế, đại lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, dưỡng dục, hướng về cội nguồn, tri ân các vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước trong lịch sử dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, đền đáp Tứ trọng ân,..
Truyền thống tự bao đời nay, hàng năm cứ đến tháng 7 âm lịch, những người con nước Việt lại tìm đến cửa Phật để tri ân, ngợi ca, tưởng niệm đấng sinh thành. Nếu không có dịp trực tiếp đến cửa Phật, thì các gia đình tổ chức lễ vu lan báo hiếu trang trọng và ấm áp tại gia đình, tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ.
Đây là dịp để mỗi người còn sống tưởng nhớ những người thân đã mất, cầu siêu cho tất cả vong linh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Đồng thời cũng là dịp để nhắc nhở những người còn sống phải sống sao cho con cháu noi theo, giữ nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình, dòng họ.
Theo giáo lý nhà Phật, với nghi lễ bông hoa hồng cài áo thì bông hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, những ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên với bao nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ. Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo, đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc. Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.
Từ một nghi thức Phật giáo thành nét độc đáo văn hóa Việt
Có thể thấy, từ một nghi thức Phật giáo, lễ Vu lan dịp tháng 7 hàng năm dần trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Vu lan là dịp để gia đình sum họp, con cháu hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, đồng thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với hoạt động từ thiện, tri ân hướng đến đồng bào.
Trong ngày lễ này, ngoài những nghi thức như: Giảng kinh về đạo hiếu, lễ phật, dâng y, phóng sinh, dâng trà, rửa chân cho cha mẹ… thì những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên áo một bông hồng nhỏ. Người còn cha mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn cha mẹ thì được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về cha mẹ của mình, cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ thực hành sống thương yêu, hiếu hạnh, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành.
Lễ Vu lan báo hiếu là một phong tục văn hóa dân gian, tín ngưỡng tốt đẹp về hiếu đạo nhằm ghi nhớ công ơn cha mẹ và biểu thị tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt. Đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn các bậc sinh thành...
Khởi nguyên từ tinh thần tri ân và hiếu nghĩa của dân tộc, đạo hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc luôn hòa nhập, trở thành nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam. Khởi nguồn là ngày lễ của các Phật tử, lễ Vu lan giờ đây đã trở thành ngày lễ báo hiếu của người Việt Nam, tinh thần mùa vu lan cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ, đồng bào, dân tộc, là nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành những con người có giá trị, có phẩm cách và đạo đức.
Hiếu hạnh không chỉ là thời điểm mà còn là cả hành trình
Nhưng cũng không phải đợi đến vu lan, chúng ta mới thể hiện sự hiếu hạnh mà bình thường trong cuộc sống hàng ngày phải sống cho tốt, làm tròn bổn phận của người con. Đừng đợi tới mùa vu lan mới làm cho có, vì như vậy không phải là hiếu hạnh, hiếu hạnh phải thường xuyên nuôi dưỡng thì mới thật sự thương cha, thương mẹ. Báo hiếu là lúc cha mẹ còn sống và hướng cha mẹ vào con đường tốt, tạo phước lành cho cha mẹ mới gọi là báo hiếu.
Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp. Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc.
Rõ ràng là, chia sẻ, tri ân báo ân không chỉ một tháng mà lúc nào chúng ta cũng phải tri ân báo ân. Nhưng có thể trong cuộc sống lo cơm áo gạo tiền, mình bị cuốn đi, mình không nhớ tri ân báo ân nên tháng Bảy là dịp để nhắc nhở mình hướng về ông bà cha mẹ nhiều hơn. Đặc biệt, khi ông bà, cha mẹ còn sống, càng phải hướng về đấng sinh thành của mình, có những lời nói, hành động, cử chỉ thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ.
Và khi mùa hiếu hạnh đến, cảm xúc trào dâng khó tả về mẹ cha – những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc dáng hình hài, hơi thở, nụ cười… công danh, sự nghiệp. Dù bạn là ai, dù bạn sang hay hèn thì điểm gặp gỡ giữa chúng ta vẫn là tinh thần báo hiếu đang tuôn trào trong nhịp đập của con tim căng đầy nhiệt huyết.
Sự gắn bó hàng ngàn năm giữa đạo với đời
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072. Đại lễ Vu lan - báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong mấy nghìn năm qua giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Trong cung bậc tri ân và báo ân của cội nguồn, dân tộc ta luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam sự gặp gỡ, giao thoa, hội nhập của nền văn hóa đa tầng này. Từ ấy hạnh hiếu trong màu sắc Phật giáo lại được coi trọng. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, giới Phật giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – báo hiếu thật trang nghiêm, từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa trên bình diện tâm linh của con người.
Và thành thông lệ, mỗi mùa vu lan về lại đánh lên một hồi chuông vang vọng về như thức tỉnh những người con trở về với thực tại để lắng nghe, để thấu hiểu, để cảm nhận về ngọn nguồn yêu thương của các đấng sinh thành. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thưở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời. Cùng với đó là sự kín đáo, cứng rắn và không kém phần nghiêm khắc đền từ tình yêu thương vô bờ bến của cha. Có lẽ, tấm lòng yêu thương vô bờ bến đó của mẹ cha chỉ có những ai được làm mẹ làm cha thì mới thấu hiểu được một cách trọn vẹn được nỗi đắng cay cơ cực và nỗi thống khổ trong đoạn đường trường. Bởi thể mới có ca dao rằng “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ mới là đạo con” hay có thơ rằng “Ân cha lành cao như non thái/Nghĩa mẹ hiền sâu tựa biển khơi/Dẫu cho dâng hết một đời/Cũng không tả ơn người sinh ta”.
Trong những ngày tháng 7 âm lịch này, vạn vật dường như đang ngỡ ngàng thức tỉnh trước hồn thu, sắc thu, hương thu khiến lòng chúng ta – những người con ở mọi lứa tuổi - như lắng đọng, se sắt để tướng nhớ và dâng những bông hoa được ngậm đủ cái lạnh của sương giá, cái hương của đất trời, của cái tâm thành kính để rồi kết thành tràng hoa tâm Bồ Đề dâng lên bậc sinh thành.
Mùa vu lan cũng gửi gắm một thông điệp rằng, mỗi người còn đang hiện hữu trên còi đời này, cần phải tinh tấn tu học, kiên nhẫn, học tu tâm sửa tính, bớt tham – sân – si, thấm nhuần tinh thần: từ – bi – hỷ – xả, vô ngã vị tha, thương người, đoàn kết, giúp đỡ nhau, chia sẻ hạnh hiếu thì mới có thể cứu giúp được cha mẹ mình cũng như nhiều người trong mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, đây cũng là dịp hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa.
Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần vu lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Vu lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.
Minh chứng là ngày nay, lễ vu lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Mùa vu lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.