Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mua bán quân trang tràn lan: Hệ lụy lớn, chế tài nhẹ?

Thứ Bảy, 30/07/2016 17:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc mua bán đồ quân trang khá dễ dàng dẫn đến nhiều vụ công an "rởm", sĩ quan quân đội "rởm" đi lừa đảo. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy trường hợp mua bán quân trang nào bị xử lý hình sự khiến dư luận lo ngại tình trạng lừa đảo núp bóng các bộ trang phục công an, quân đội sẽ tiếp diễn.



 Quân trang được rao bán công khai trên facebook. Ảnh: AL

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản vào các trang mạng xã hội, phóng viên đã tìm thấy không ít thông tin rao bán đồ dùng của ngành công an như: mũ bảo hiểm, thắt lưng, giày, móc khóa, ví da, áo… Phần lớn các trang bán hàng online này đều có số điện thoại công khai, ai cũng có thể đăng kí mua. Khi phóng viên liên hệ theo số liên lạc tại trang "Shop quân trang..." đã nhận được lời giới thiệu thành thạo: "Bên em có nhiều mặt hàng về ngành công an: Mũ, quần áo, dây lưng… anh cần cái nào, số lượng bao nhiêu?"

Khi được hỏi mua bộ trang phục cảnh sát cơ động, người bán hàng giới thiệu ngay: "Có ve áo trung sĩ, trung úy… anh cần cấp nào?" Thấy khách hàng nghi ngờ không giống hàng thật, người bán liền khẳng định: "Anh yên tâm! Hàng của bọn em y hệt đồ thật của công an".

Tại một số trang mạng khác, mặt hàng quân trang cũng khá phong phú và được tiếp thị công khai. Từ móc khóa, ví, áo, túi đựng đồ đều có lô gô ngành Công an… Chỉ cần bỏ ra hơn một triệu đồng, đã có thể sắm đủ bộ trang phục ngành công an cấp tá!

Việc dễ dàng mua bán các đồ quân trang như trên đang tạo ra nguy cơ kẻ xấu đóng giả làm công an, sỹ quan quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo. Báo chí đã phản ánh rất nhiều trường hợp kẻ xấu mặc trang phục công an, xưng là điều tra viên, cảnh sát cơ động nơi này nơi nọ để chiếm đoạt tiền người dân. Nhiều trường hợp mới 17, 18 tuổi thiếu tiền đàn đúm ăn chơi đã sắm bộ đồ y hệt của cảnh sát cơ động rồi ra đường “tuần tra” nạt nộ người điều khiển phương tiện giao thông lấy tiền hối lộ. Hay như trong vụ lừa đảo tại công ty kinh doanh đa cấp Liên Kết Việt nổi tiếng vừa qua, một nhân vật cộm cán trong đường dây lừa đảo đã núp dưới vỏ bọc sỹ quan quân đội, luôn xuất hiện trước đám đông với bộ quân trang cấp tá để chiếm lòng tin của khách hàng.

 Các đối tượng tự sắm trang phục cảnh sát cơ động để “tuần tra”
rồi cưỡng đoạt tiền người tham gia giao thông. Ảnh: phapluat.vn

Trao đổi về những hệ lụy từ việc mua bán quân trang tràn lan, một cán bộ công tác trong ngành công an cho biết: Theo quy định của ngành, những mặt hàng như thắt lưng, giày, mũ… của công ty thuộc ngành công an sẽ không được bán ra ngoài. Quân trang, quân dụng chỉ được cấp phát cho cán bộ, công chức chiến sĩ công an thi hành công vụ. Người được cấp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Trường hợp chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi.

Luật sư Nguyễn Thuận - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TP.Đà Nẵng, cho biết: Nghị định 59/2006/NĐ-CP (phụ lục I) đã quy định, quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an) là hàng cấm. Đây là mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất và cung cấp trong các cơ quan chuyên ngành như công an, quân đội...Vì thế, bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào tự ý sản xuất và cung cấp ra thị trường đều vi phạm quy định pháp luật. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, theo luật sư Thuận, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này còn quá nhẹ. Cụ thể, theo Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 việc xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa cấm kinh doanh.

Mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) phổ biến từ 500.000 đồng đến 35 triệu đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định vừa nêu đối với hành vi sản xuất hàng cấm.

Cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung để tịch thu tang vật, phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 3 - 6 tháng… và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” với mức hình phạt cao nhất 15 năm.

Luật sư Nguyễn Thuận cho rằng, quy định pháp luật như trên là quá nhẹ so với nguy cơ có thể gây ra từ việc mua bán, sử dụng quân trang tùy tiện. “Tình trạng mua bán quân trang diễn ra công khai trong nhiều năm qua. Nhiều vụ công an “rởm”, sỹ quan quân đội “rởm” đi lừa đảo bị phát hiện nhưng đến nay, vẫn chưa thấy trường hợp buôn bán quân trang nào bị xử lí hình sự, dẫn đến nguy cơ kẻ xấu tiếp tục lợi dụng vỏ bọc là các bộ quân trang để thực hiện hành vi lừa đảo”, luật sư Thuận nói.

Để ngăn chặn các nguy cơ, hệ lụy từ việc tùy tiện mua bán quân trang, theo luật sư Thuận, cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, xử lý thật nghiêm khắc; sớm có điều chỉnh về luật pháp theo hướng tăng nặng hình phạt với hành vi mua bán, tàng trữ, sản xuất quân trang trái phép. Đồng thời có chế tài cụ thể với cả người mua quân trang. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần cụ thể hóa khái niệm “số lượng lớn” trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng để thuận tiện cho việc xử lí của cơ quan chức năng./.

Bùi An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN