Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số yêu cầu của Nhật Bản đối với nhập khẩu nhãn tươi của Việt Nam

Thứ Năm, 01/12/2022 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản, nhãn tươi của Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu được sản xuất tại Việt Nam, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không; các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp,…

 Nhãn là loại trái cây thứ 4 được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản sau các loại quả thanh long, xoài Cát Chu và vải (Ảnh minh họa: HNV)

Ngày 18/11/2022, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã công bố cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Nhãn là loại trái cây thứ 4 được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản sau các loại quả thanh long, xoài Cát Chu và vải. Theo yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản, nhãn tươi của Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu sau: Quả nhãn tươi được sản xuất tại Việt Nam, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không.

Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp, đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật sau khi đã được kiểm tra kiểm dịch của Cơ quan bảo vệ thực vật. Trong đó, phần khai báo bổ sung nêu rõ không có ruồi đục quả Bactrocera dorsalis và những lô hàng này đã được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày. Bên cạnh đó, vật liệu đóng gói, cơ sở xử lý lạnh phải đảm bảo không có rủi ro nhiễm ruồi đục quả quả Bactrocera dorsalis. Các lô hàng quả nhãn xuất khẩu sau khi xử lý lạnh cần niêm phong bởi Cục Bảo vệ thực vật.

Quá trình kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, quy trình xử lý, niêm phong, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng nhãn tươi xuất khẩu tại các cơ sở xử lý được giám sát, xác minh bởi các cán bộ kiểm dịch thực vật của Nhật Bản và Việt Nam.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để mở cửa thị trường cho quả nhãn sang Nhật Bản, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã rất nỗ lực hoàn thành thí nghiệm kỹ thuật xử lý lạnh cho quả nhãn để làm căn cứ hoàn thiện điều kiện nhập khẩu quả nhãn Việt Nam sang thị trường này.

Biện pháp xử lý lạnh lần đầu tiên được áp dụng với mặt hàng trái cây của Việt Nam, trong đó có quả nhãn. Lợi thế của phương pháp xử lý lạnh là trang thiết bị đầu tư không quá đắt đỏ, các doanh nghiệp có mong muốn tham gia xuất khẩu đều có sẵn kho lạnh. Ngoài ra, xử lý lạnh có thể thực hiện trong quá trình vận chuyển, sẽ là một lợi thế giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Mặt khác, xử lý lạnh không có nguy cơ về vấn đề dư lượng do không sử dụng hóa chất. Thành công của việc áp dụng biện pháp xử lý lạnh quả nhãn xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội để đàm phán áp dụng biện pháp xử lý này cho các thị trường nhập khẩu khác./.

 

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN