Một số thông tin cơ bản về Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
(ĐCSVN) - Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là một trong 5 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về nhân quyền, được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có hiệu lực từ ngày 04/01/1969. Việt Nam gia nhập Công ước này năm 1982.
Hiến chương Liên hợp quốc (1945) tuyên bố rằng, một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng đối với quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người.
Các quốc gia thành viên CERD cam kết có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng Liên hợp quốc nhằm đạt được một trong những mục tiêu là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng, tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người (Ảnh minh họa) |
Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1948 là nỗ lực đầu tiên của tất cả các quốc gia trong việc tập hợp toàn diện về các quyền của con người trong một tài liệu duy nhất. Do đó, mục đích của nó là để thiết lập một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có hiệu lực từ ngày 4/01/1969. Việt Nam gia nhập Công ước này năm 1982.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc ra đời khi các quốc gia thành viên xét thấy Hiến chương của Liên hợp quốc dựa trên nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người. Tất cả các quốc gia thành viên cam kết có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng Liên hợp quốc nhằm đạt được một trong những mục tiêu là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng, tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người, của tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo; khẳng định sự cần thiết phải xóa bỏ nhanh chóng nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới, dưới mọi hình thức, mọi biểu hiện...
Phòng chống phân biệt chủng tộc
Điều 2 Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên lên án sự phân biệt chủng tộc và cam kết bằng mọi biện pháp cần thiết, không trì hoãn xóa bỏ phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết giữa tất cả các chủng tộc.
Để đạt được mục tiêu này, Công ước yêu cầu mỗi quốc gia thành viên không tham dự vào hoặc tiến hành các hành động phân biệt chủng tộc chống lại các cá nhân, nhóm người hay tổ chức nào và đảm bảo mọi quan chức chính quyền cũng như các cơ quan nhà nước, ở cấp độ quốc gia và địa phương, sẽ hành động phù hợp với nghĩa vụ này.
Các quốc gia thành viên không bảo trợ, bảo vệ hoặc giúp đỡ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào; rà soát lại các chính sách của chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương để sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa bất cứ đạo luật hay quy định nào có thể tạo ra hoặc tạo điều kiện cho sự phân biệt chủng tộc ở bất cứ đâu; ngăn cấm, xóa bỏ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người nào bằng mọi biện pháp thích hợp, bao gồm cả bằng biện pháp lập pháp nếu thấy cần thiết; khuyến khích các tổ chức và phong trào liên kết đa chủng tộc nhằm xóa bỏ sự ngăn cách giữa các chủng tộc, hạn chế bất cứ điều gì có thể làm tăng sự phân biệt chủng tộc.
Các quốc gia thành viên trong trường hợp cho phép có những biện pháp đặc biệt, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực để đảm bảo sự phát triển thích đáng và bảo vệ một số nhóm chủng tộc hoặc cá nhân thuộc các chủng tộc đó, với mục đích giúp họ được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người và tự do cơ bản. Những biện pháp này trong mọi trường hợp không được dẫn tới việc duy trì sự bất bình đẳng hoặc các quyền riêng cho những nhóm chủng tộc khác nhau sau khi mục tiêu đề ra được thực hiện.
Lên án những ý tưởng hoặc học thuyết về tính thượng đẳng của một chủng tộc
Theo Điều 4 Công ước, các quốc gia thành viên có trách nhiệm lên án tất cả các hành động tuyên truyền và tất cả các tổ chức dựa trên những ý tưởng hoặc học thuyết về tính thượng đẳng của một chủng tộc hoặc của một nhóm người cùng chung một màu da hay một nguồn gốc sắc tộc, những học thuyết cố gắng biện minh hoặc khuyến khích sự hằn thù chủng tộc và phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào.
Các quốc gia cam kết thông qua những biện pháp nhanh chóng và tích cực nhằm xóa bỏ tất cả sự kích động hoặc các hành vi phân biệt chủng tộc.
Để thực hiện các mục tiêu này, Công ước buộc các quốc gia tuyên bố mọi hành động gieo rắc các ý tưởng dựa trên tính thượng đẳng về chủng tộc hoặc sự căm thù, kích động phân biệt chủng tộc cũng như mọi hành vi bạo lực hoặc kích động những hành vi bạo lực chống lại bất cứ chủng tộc nào hoặc nhóm người nào khác màu da hoặc khác nguồn gốc dân tộc là tội phạm và sẽ bị pháp luật trừng trị; đồng thời cũng tuyên bố như vậy đối với việc hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm sự hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động phân biệt chủng tộc.
Tuyên bố là bất hợp pháp và cấm những tổ chức, việc tổ chức và tất cả những hoạt động tuyên truyền khuyến khích, kích động phân biệt chủng tộc; mọi sự tham dự vào các tổ chức hoặc hoạt động như vậy bị coi là tội phạm và bị pháp luật trừng trị. Không cho phép các nhà cầm quyền hoặc các cơ quan nhà nước, cả ở cấp quốc gia và địa phương, khuyến khích hoặc kích động phân biệt chủng tộc.
Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người
Điều 5 Công ước mở rộng nghĩa vụ chung của Điều 2 và tạo ra một nghĩa vụ cụ thể về bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người, bất kể chủng tộc, màu da, hoặc nguồn gốc quốc gia hay dân tộc, đặc biệt trong việc hưởng những quyền: (1). Quyền được đối xử bình đẳng trước các tòa án cũng như trước các cơ quan tài phán khác; (2). Quyền an ninh cá nhân và được nhà nước bảo vệ chống lại những hành vi bạo lực hoặc gây xâm hại đến thân thể do các nhân viên nhà nước gây ra hoặc do bất cứ cá nhân, nhóm người hoặc cơ quan nào gây ra; (3). Những quyền về chính trị, đặc biệt là quyền về bầu cử - được đi bầu và được ứng cử - trên cơ sở phổ thông đầu phiếu, quyền được tham gia vào chính phủ cũng như các hoạt động công cộng khác ở mọi cấp và được bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ công cộng; (4). Các quyền dân sự khác, đặc biệt là: Quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; Quyền được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình và được quay trở lại nước mình; Quyền có quốc tịch; Quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu; Quyền sở hữu tài sản riêng cũng như sở hữu chung với những người khác; Quyền thừa kế; Quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí; Quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình; (5). Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa: Quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc tương đương, được trả công công bằng và thích đáng; Quyền được thành lập và tham gia các nghiệp đoàn; Quyền có nhà ở; Quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội; Quyền được giáo dục và đào tạo; Quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa; Quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng nào, ví dụ như các phương tiện giao thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, các quán giải khát, nhà hát, công viên.
Cơ chế hoạt động
Một Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (Ủy ban) gồm 18 chuyên gia có đạo đức tốt và được công nhận là công bằng, vô tư, do các quốc gia thành viên bầu ra một cách độc lập từ các công dân của các quốc gia thành viên.
Các thành viên của Ủy ban được bầu ra bằng phiếu kín từ danh sách những ứng cử viên do các quốc gia thành viên giới thiệu. Mỗi quốc gia thành viên có thể đề cử một ứng cử viên là công dân của nước mình.
Những người được bầu vào Ủy ban phải là những ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất và phải đạt đa số phiếu tuyệt đối trong tổng số phiếu bầu do đại diện các Quốc gia thành viên tham dự cuộc họp bầu ra.
Các thành viên của Ủy ban có nhiệm kỳ 4 năm. Trong trường hợp bất chợt bị thiếu người thì quốc gia thành viên có người thôi làm thành viên của Ủy ban sẽ được cử người khác là công dân của nước mình thay thế, người này phải được Ủy ban chấp nhận.
Các quốc gia thành viên sẽ chịu trách nhiệm về các chi phí cho các thành viên của Ủy ban khi các thành viên này thực thi nhiệm vụ của Ủy ban.
Cơ chế báo cáo
Các quốc gia thành viên trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc một báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp, các biện pháp khác nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước để Ủy ban đánh giá trong vòng một năm sau khi Công ước có hiệu lực với quốc gia thành viên đó.
Sau mỗi giai đoạn hai năm và bất cứ khi nào Ủy ban cũng có thể yêu cầu các quốc gia thành viên cung cấp thêm các thông tin khác có liên quan.
Ủy ban phải gửi báo cáo hàng năm, thông qua Tổng Thư ký đến Đại hội đồng Liên hợp quốc về các hoạt động của mình, đồng thời có thể đưa ra những bình luận và khuyến nghị chung trên cơ sở xem xét các báo cáo và thông tin gửi đến từ các quốc gia thành viên. Những bình luận và khuyến nghị chung này được trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc cùng với những bình luận của các quốc gia thành viên nếu có.