Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số quy định thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động chưa khả thi

Thứ Tư, 07/09/2022 15:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng, một số quy định thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này...

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Ngay trong phát biểu khai mạc, khi gợi ý thảo luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực Nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân. 

Đến nay, còn một số vấn đề Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm: điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở - đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không?.

Lo tổ chức sử dụng lao động gánh thêm áp lực 

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Phạm Thắng

Thảo luận về dự án Luật này, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là về quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở các tổ chức có sử dụng lao động (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trừ cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

Là đại biểu đầu tiên cho ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này. Cụ thể, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.

Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) bày tỏ quan tâm quy định trong trường hợp người đứng đầu các tổ chức có sử dụng lao động không thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ bị xử lý. “Điều này sẽ gây áp lực thêm cho tổ chức, ngoài việc chịu sự kiểm tra, thanh tra, đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm…" - đại biểu phát biểu. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ làm tăng thêm công việc, nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước. 

Đại biểu cho rằng, với các quy định này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cũng bày tỏ lo lắng khi mở rộng phạm vi Luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.

Đại biểu phân tích, về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước. Trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự. Việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với nhà nước là hoàn toàn xác đáng và dự án Luật này để điều chỉnh, làm sâu sắc đảm bảo quyền làm chủ của người dân rất thuyết phục. Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó. Còn người lao động là người đi làm thuê. “Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại người chủ ông trả tiền để thuê lao động ấy, ông ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không?”, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn. Do đó đại biểu đề nghị nên cân nhắc để làm rõ và trong thực tế tại Chương 4 có quy định một chương riêng về vấn đề thực hiện quy chế dân chủ ở tổ chức sử dụng lao động, có quy định rất nhiều điều về công khai, về người lao động được quyết định, được tham gia ý kiến, người lao động được kiểm tra…

Nhấn mạnh mục tiêu chính của chúng ta là đảm bảo được bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ giữa người làm thuê với doanh nghiệp. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, để bảo vệ quyền lợi người lao động thì chúng ta đã có một loạt các luật quy định chặt chẽ như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Thi đua - khen thưởng... Các luật này được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát thi hành một cách chặt chẽ. Vì vậy, đại biểu thấy rằng không nhất thiết phải quy định nội dung này thành luật riêng, chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm. Nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì có lẽ không phù hợp và khiên cưỡng. Bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao, nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật trong thực tiễn. Và có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì có thể làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh.

Cần cân nhắc đặt các chế tài để tăng tính dân chủ thực sự

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách) tỉnh Quảng Trị đánh giá cao sự cầu thị của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, từ đó nhận thấy dự thảo Luật lần này đã có sự thay đổi so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng là thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng. Trong đó, phạm trù về kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung rất lớn. Tuy nhiên lại chưa có giải thích rõ thế nào là kiểm tra Nhân dân và giám sát Nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào điều về giải thích từ ngữ các khái niệm kiểm tra Nhân dân và giám sát Nhân dân để xác định nội dung, phạm vi, đối tượng, thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát Nhân dân.

Liên quan đến Ban thanh tra Nhân dân, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, đây là nội dung được chuyển từ Luật Thanh tra sang. Theo đại biểu, bản chất của thiết chế thanh tra Nhân dân là thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người dân. Do đó đại biểu đề nghị đổi tên từ Ban thanh tra Nhân dân thành Ban kiểm tra, giám sát Nhân dân để phù hợp với luật mới và tránh nhầm lẫn với các thiết chế thanh tra của nhà nước, kiểm tra Đảng và phản biện của Mặt trận Tổ quốc.

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị ). Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao các cơ quan có trách nhiệm đã tiếp thu đầy đủ nhiều nội dung các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, để nâng cao tính dân chủ theo đúng tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thành một điều luật rõ ràng, cụ thể các khách thể, đối tượng người dân có quyền biết, bàn, kiểm tra và giám sát để tránh một số đối tượng lạm dụng quyền biết, bàn, kiểm tra, giám sát để chống phá, kích động, lôi kéo khiếu nại, tố cáo. Cần quy định rõ các nội dung công dân, cán bộ, công chức được quyền biết, bàn thì được quyền kiểm tra và giám sát.

Mặt khác, đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc đặt các chế tài để tăng tính dân chủ thực sự cho Luật, đảm bảo nếu người dân bàn, kiểm tra, giám sát đúng thì đối tượng chịu kiểm tra, giám sát phải thực hiện và thay đổi.

Đối với quy định về thanh tra nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước về cơ cấu, tổ chức. Theo đại biểu, thực tế hiện nay Ban Thanh tra nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc chủ doanh nghiệp./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN