Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số giải pháp để phát triển kinh tế bền vững nông nghiệp trước biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 14/11/2023 21:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Xác định bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề có ý nghĩa sống còn, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, ban hành chính sách bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/1/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Nghị quyết số 24-NQ/TW do Hội nghị Trung ương 7 khóa XI ban hành ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững...”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH. Cùng với đó, vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH nhằm mục tiêu phát triển bền vững đã được đưa vào kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương…

Để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đồng thời phát huy được các sáng kiến của người dân trong quá trình ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Việt Nam, thời gian tới cần lưu ý một số trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu mối quan hệ, tác động qua lại giữa ô nhiễm môi trường, BĐKH và tăng trưởng kinh tế, trong đó đánh giá cụ thể hơn những hoạt động của con người vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường, dẫn tới BĐKH.

Hai là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với BĐKH qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.

Ba là, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ứng phó với BĐKH, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; Mở rộng các dịch vụ trong nông nghiệp; Liên kết trong đầu tư, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Xây dựng và phát triển sinh kế thích ứng với BĐKH. Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phù hợp với cơ chế giữ lũ, ngăn mặn linh hoạt hơn và phục vụ nhiều hệ thống canh tác khác nhau, đặc biệt thủy sản và trái cây; Quy hoạch và quản lý nghiêm quy hoạch rừng ngập mặn/ngập lợ đảm bảo cân đối môi trường, sinh thái. Xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường để tạo sinh kế cho người dân phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn/ngập lợ; Quy hoạch rõ các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo các tiểu vùng và có chế tài thực hiện và quản lý nghiêm quy hoạch…

 Chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng thích ứng với biển đổi khí hậu

Bốn là, khảo sát, tổng hợp những sáng kiến của người dân trong việc ứng phó với các hiện tượng BĐKH và tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao hơn nữa tính chủ động cũng như tính dài hạn trong các biện pháp đó.

Thứ năm, tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhằm giảm thời gian và chi phí vận chuyển nội vùng (cải thiện hệ thống đường thủy để vận chuyển nông sản, đặc biệt là từ các vùng chuyên canh tới các trung tâm chế biến). Cụ thể, rà soát và điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, bổ sung quy hoạch đường sắt để kết nối trong vùng chuyên canh, kết nối các vùng chuyên canh với nhau, kết nối vùng chuyên canh với khu vực chế biến và kết nối với thị trường; tránh việc chia cắt bất hợp lý; Quy hoạch lại khu đô thị và vùng dân cư nông thôn chuyển từ bố trí theo tuyến sang theo cụm và lùi vào phía trong bờ biển/bờ sông để đảm bảo an toàn trước các ảnh hưởng của lũ, nước biển dâng, ngập mặn…

 Nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ cho giao thương 

Thứ sáu, đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến. Khuyến khích dịch vụ hỗ trợ nông dân tiếp thu và áp dụng khoa học công nghệ, trao quyền cho nông dân, doanh nghiệp tham gia đánh giá và đặt hàng các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông; Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp; phân cấp hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp 

Thứ bảy, tiếp tục rà soát để hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật và cơ chế chính sách; xem xét cho thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành Nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững, cụ thể gồm:

- Chính sách đất đai: Khơi thông thị trường đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

- Chính sách thu hút đầu tư: Tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp vào nông nghiệp thông qua việc kiến tạo cơ chế chính sách khả thi và đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Chính sách thuế, phí: Cải thiện hệ thống thuế, phí, tạo động lực cho việc áp dụng các mô hình nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

- Chính sách tín dụng: Đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp. Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ tài chính mới nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng với quy mô lớn và dài hạn hơn cho nông dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng chính sách pháp luật và hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho nông nghiệp phát triển

- Chính sách bảo hiểm: Tiếp tục triển khai các chương trình/mô hình bảo hiểm nông nghiệp đối với các nông sản chủ lực của vùng, từng bước gắn kết giữa bảo hiểm và tín dụng theo chuỗi. Xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động phi chính thức.

- Chính sách thương mại: Rà soát, đổi mới và hoàn thiện bộ máy kiểm dịch, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ đối với hàng xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp. Xây dựng cơ chế hòa giải tranh chấp trong các hợp đồng bao tiêu nông, lâm, thủy sản nhằm giải quyết các tranh chấp đối với những xung đột phát sinh, tiến tới xây dựng cơ chế chia sẻ giá giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia và phát triển bền vững.    

VH (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN