Một số biện pháp phòng, chống cháy rừng
(ĐCSVN) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt hơn 39 độ C. Cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy cháy rừng ở nhiều nơi, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn và phòng cháy, chữa cháy rừng
1 Xây dựng đường băng cản lửa:
- Xây dựng đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng là biện pháp rẻ tiền, tiết kiệm được lao động, vật tư, đem lại hiệu quả cao.
- Tác dụng của đường băng cản lửa là ngăn chặn cháy lan trên mặt đất, cháy trên tán ở những khu rừng dễ cháy và là chỗ dựa để tiến hành vận chuyển các phương tiện dập tắt đám cháy, vận chuyển giống, phân bón… phục vụ cho kinh doanh rừng và là con đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.
- Khi thiết kế trồng rừng hoặc rừng đã trồng hay rừng tự nhiên phải tiến hành phân chia những khu rừng thành những lô, khoảnh riêng biệt với những đường băng cản lửa, có thể là đường băng trắng hoặc đường băng xanh có tác dụng bẻ gãy ngọn lửa đang cháy trên mặt đất, cháy trên tán cây rừng.
- Đường băng trắng: là những dải trống đã được chặt trắng thu dọn hết cây cỏ, thảm mục, được dọn sạch hay cày lật đất nhằm ngăn lửa cháy lan trên mặt đất rừng.
- Đường băng xanh: là đường băng được trồng bằng những cây xanh hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng, nên chọn những loài cây có khả năng chịu lửa tốt. Đường băng xanh có tác dụng ngăn ngọn lửa cháy lan trên mặt đất và cháy trên tán cây rừng.
Hướng đường băng cản lửa:
- Đối với địa hình bằng phẳng hoặc dốc dưới 15oC, đường băng phải vuông góc với hướng gió chính trong mùa cháy.
- Đối với địa hình phức tạp độ dốc trên 15oC, đường băng trùng với đường đồng mức. Việc bố trí đường băng đúng hướng là góp phần tích cực phát huy khả năng phòng chống cháy đạt hiệu quả cao nhất.
Các loại đường băng cản lửa:
- Đường băng chính: được xây dựng ở những khu rừng có diện tích lớn, diện tích từ 5 - 100 ha. Loại đường băng này nên kết hợp với đường vận xuất, vận chuyển trong rừng để làm đường băng.
- Đường băng phụ: thường được xây dựng những vùng rừng dễ cháy có cường độ kinh doanh cao. Khoảng cách giữa các đường băng tùy thuộc vào địa hình từng loại rừng.
- Đối với rừng tự nhiên, cự ly giữa các đường băng chính từ 1.000 - 2.000 m. Với rừng trồng cự ly giữa các đường băng chính từ 500 - 1.000 m, bề rộng của đường băng cản lửa đối với 2 loại rừng tự nhiên và rừng trồng tối thiểu từ 10 - 20 m, đường băng phụ có chiều rộng từ 8 - 12 m.
2 Chăm sóc, tu bổ, vệ sinh rừng:
- Hàng năm cần chăm sóc, tự tu bổ, sửa chữa các đường băng cản lửa, dọn sạch vật liệu dễ cháy mới có tác dụng phòng, chống cháy.
- Phát, dọn thực bì, dây leo cuốn cây không để rừng quá rậm rạp, dễ gây cháy rừng. Không phát chăm sóc rừng trong mùa khô hanh nhằm giảm vật liệu gây cháy rừng đến mức thấp nhất.
3 An toàn khi sản xuất nương rẫy:
- Phải quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, khi làm nương rẫy trong vùng phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định về phòng, chống cháy như:
- Dọn toàn bộ thực bì, phơi khô và vun thành dải rộng 2 - 3 m, dải nọ cách dải hàng kia từ 5 - 6 m, dải cách xa rừng tối thiểu 8 - 10 m.
- Đốt thực bì vào buổi chiều tối hay sáng sớm khi gió nhẹ và đốt lần lượt từ trên đỉnh xuống chân đồi. Khi đốt phải có người canh gác cẩn thận, phải báo trước cho lực lượng phòng cháy và các tổ chức chính quyền thôn, bản. Đốt nương xong phải kiểm tra an toàn trước khi ra về.
4 Hướng dẫn tuyên truyền kịp thời:
- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nguy cơ và cấp cháy rừng, thông báo rộng rãi đến người dân.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và người dân.
- Lắp đặt các biển báo khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng, các địa điểm không được sử dụng lửa để người dân nhận biết.
- Chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (Dao phát, cuốc, xẻng, máy bơm, nguồn nước phục vụ chữa cháy...)
- Khi xảy ra cháy rừng báo ngay cho mọi người xung quanh và cơ quan chức năng gần nhất.
- Triển khai “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ)./.