Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số biện pháp chống nóng cho gia súc, gia cầm trong mùa hè

Thứ Năm, 04/04/2024 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong những ngày qua thời tiết nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện. Một số địa phương có nắng nóng cục bộ, nhiệt độ tăng cao và gây cảm giác oi bức. Khi thời tiết nắng nóng khiến chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn vật nuôi và an toàn dịch bệnh. Để phòng chống nóng cho gia súc, gia cầm vào mùa hè và hạn chế những thiệt hại do nắng nóng gây ra cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Về chuồng trại:

Nên dùng bạt hoặc tranh tre, nứa lá... phủ lên mái để chống nóng; xung quanh chuồng nuôi trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, có mái che chắn chống ánh nắng chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi. Đối với bà con miền núi cần làm lán trại để che nắng.

Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, vào mùa hè nhất thiết phải có hệ thống làm mát như giàn phun mưa, hệ thống quạt thông gió hoặc hệ thống làm mát bằng hơi nước ở đầu chuồng nuôi để làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi.

Mật độ nuôi:

Vào mùa hè, chúng ta nên giảm mật độ nuôi so với khuyến cáo, nuôi nhốt với mật độ vừa phải để tạo sự thông thoáng trong chuồng nuôi.

- Đối với gà giai đoạn úm: 50 – 60 con/m2, gà từ 0,5 – 1kg nhốt 20 – 30 con/m2, gà 2 – 3kg nhốt 7 – 10 con/m2. Thời tiết nóng quá nên thả gà ra vườn, gốc cây xung quanh chuồng. Trong quá trình cho ăn thì nên cho gà ăn lúc sáng sớm, trời mát để gà ăn được nhiều hơn. Ngoài ra cũng cần cung cấp nước sạch, mát và cho đàn gà uống.

- Đối với lợn: Lợn nái 3-4m2/con, lợn thịt 2m2/con. Tắm mát cho lợn 1-2 lần/ngày. Cho lợn uống đủ nước sạch, mát, bổ sung B-complex, chất điện giải, men tiêu hóa, hạ sốt… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.

– Đối với trâu bò: Chăn thả vào sáng sớm và chiều mát. Nên buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi. Tắm trải cho trâu bò 2- 3 lần/ngày để làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Chế độ ăn uống

Trong những ngày nắng nóng, quá trình trao đổi chất, tiêu hóa hấp thu của con vật bị rối loạn, làm giảm khả năng thu nhận thức ăn. Vì vậy cần chú ý các vấn đề sau:

- Tăng cường thức ăn xanh như rau xanh, cỏ tươi và các loại vitamin A, C cho gia súc, gia cầm.

- Tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm lượng thức ăn tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Đặc biệt, trong chăn nuôi lợn và gà công nghiệp.

- Nên thay đổi giờ ăn, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát hoặc vào ban đêm. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, cần giảm 5 – 10% lượng thức ăn so với những ngày bình thường.

- Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho gia súc, gia cầm uống; tốt nhất chúng ta nên lắp các máng uống tự động để đảm bảo gia súc, gia cầm luôn có nước để uống.

 

Chế độ chăm sóc:

- Không nên chăn thả hoặc cho đi làm việc sau 10 giờ trưa và trước 14 giờ chiều để tránh trường hợp gia súc bị cảm nóng, cảm nắng. Nên chăn thả ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi.

- Thường xuyên tắm cho gia súc (1- 2 lần/ngày), chú ý không nên tắm vào buổi trưa và lúc nắng nóng.

- Đối với gia súc non sơ sinh hay theo mẹ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm báo chúng phải luôn được mát và khô ráo. Tuyệt đối không làm ẩm ướt nền chuồng.

- Đối với gia cầm: vào những ngày nắng nóng không nên gây xáo trộn đàn.

Để tăng cường sức đề kháng, phòng chống “stress nhiệt” cho gia súc gia cầm, cần bổ sung thêm các chất điện giải, các loại vitamin, nhất là vitamin C pha vào nước uống.

Công tác vệ sinh phòng bệnh:

- Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; khơi thông cống rãnh để hạn chế phân, nước tiểu đọng lại trong chuồng nuôi; hạn chế ruồi, muỗi, bọ mạt, ve... bằng cách phát quang bụi rậm và vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh.

- Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

+ Đối với lợn: Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng, Lở mồm long móng… để lợn có miễn dịch phòng bệnh. Phòng chống bệnh viêm phổi lợn trong mùa hè.

+ Đối với gia cầm: phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắc xin: Newcastle, cúm, dịch tả, tụ huyết trùng…

+ Đối với trâu, bò: Phòng bệnh cho trâu bò bằng các loại vacxin Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, tụ huyết trùng ….

Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi có dấu hiệu bất thường để cách ly theo dõi và điều trị kịp thời. Trường hợp có gia súc, gia cầm bệnh chết phải đảm bảo việc tiêu hủy đúng nơi quy định, không được vứt xác động vật ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh./.

Np (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN