Món lạp xưởng độc đáo của người Chăm tại An Giang
(ĐCSVN) - Người Chăm là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, hiện tại có khoảng 178.948 người ở một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang… Họ hiện vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống đạo đáo, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Trong đó không thể thiếu món “tung lò mò” – một món ăn được đa phần người Chăm yêu thích, đã trở thành đặc sản của dân tộc họ.
Lạp xưởng bò có màu đỏ ngoài vỏ nhìn rất bắt mắt, khi ăn có vị hơi chua chua rất độc đáo |
Nếu như người Kinh có món lạp xưởng thơm ngon, thì người Chăm tại An Giang có món “tung lamow” được làm hoàn toàn bằng thịt bò thay vì lợn, do đa phần người Chăm theo đạo Hồi. Theo dân tộc họ, “tung lamow” có nghĩa là bỏ ruột, nhưng lâu dần, theo thời gian, nhiều người Kinh quen gọi món ăn này là “tung lò mò”, hay lạp xưởng bò. Đây là món ăn ngon, độc đáo trong truyền thống của đồng bào Chăm.
Vào dịp Tết Roya Haji, người dân sẽ mổ thịt và chia cho người trong đạo Hồi Islam. Họ sẽ dùng thịt bò để làm món “tung lò mò” ăn dần trong suốt cả năm. Khác với món lạp xưởng được chế biến từ thịt, mỡ và rượu Mai Quế lộ mà ta thường hay ăn, “tung lò mò” sẽ có một số nguyên liệu chính như thịt bò cắt nhỏ, cơm nguội, gia vị như tiêu, muối… và ruột bò.
Đầu tiên, thịt bò sau khi mang về từ dịp Tết Roya Haji sẽ lọc bỏ hết gân, rửa sạch. Sau đó, thịt được người Chăm sử dụng rượu để khử hết mùi tanh. Cuối cùng, thịt bò được xắt nhỏ thành từng miếng ướp cùng với tiêu sọ, đường bột, hoa hồi và một số các gia vị bí truyền của riêng người Chăm.
Đặc biệt, cơm nguội luôn được chuẩn bị sẵn trong nhà để cho vào ướp cùng thịt bò, nếu nhà nào thiếu cơm có thể thay bằng thính, hương vị vẫn không thay đổi. Theo quan niệm người Chăm, món “tung lò mò” sẽ chẳng thể có vị chua chua truyền thống nếu thiếu chén cơm nguội giã nhuyễn bỏ vào trong bát thịt đã được ướp nguyên liệu.
Phần ruột bò để nhồi nhân |
Phần ruột bò để nhồi nhân vào trong cũng được người Chăm chuẩn bị rất kỹ càng. Ruột được mua về, phải được sơ chế thật sạch, nếu không sẽ làm cho món lạp xưởng dễ bị hỏng. Ruột bò được những người có kinh nghiệm làm lộn trái, cao và chà sạch bằng muối, chanh cho sạch, hết mùi hôi rồi đem phơi se. Sau khi ruột đã đủ khô, thì đêm phần thịt bò đã ngấm gia vị nhồi vào. Mỗi miếng lạp xưởng đều được những người Chăm làm thành từng phần đều nhau, khoảng ba ngón tay. Sau khi đã hoàn thành, đem khúc lạp xưởng đi phơi trong khoảng vài ngày đến một tuần, nhưng nếu càng lâu sẽ càng có mùi vị hấp dẫn thu hút người ăn.
Món “tung lò mò” sau khi phơi khô sẽ có vẻ ngoài tròn trịa, mập mạp, nhìn giống như những cây xúc xích chứ không “thanh mảnh”. Lạp xưởng bò có màu đỏ ngoài vỏ nhìn rất bắt mắt, khi ăn cũng không bị béo, ngậy, nhiều mỡ mà mang vị thanh nhẹ, dễ chịu của thịt bò. Khi ăn có vị hơi chua chua rất độc đáo, dù ăn bao nhiêu cũng không thấy ngán. Mùi của lạp xưởng thơm nhẹ gia vị của tiêu, hoa hồi, khi cắn lớp vỏ dai dai, thịt trong đậm vị, mềm ẩm như tan vào trong khoang miệng.
Người Chăm ở An Giang rất yêu thích món “tung lò mò” này, họ thường có nhiều cách để chế biến. Có thể ăn lạp xưởng bò cùng với cơm hoặc họ sẽ để lên những vỉ nướng, mùi hồi, tiêu dậy lên, miếng thịt bò giòn bên ngoài, ẩm nóng trong, cùng lớp mỡ chẩy ra béo ngậy, khiến thực khách ăn một lần không thể quên. Ngoài ra, theo truyền thống người Chăm, món “tung lò mò” nên ăn kèm với dưa chua, chuối sống và phết chút tương ớt thì không còn gì ngon bằng.
Ngày nay, món “tung lò mò” được người Chăm làm thường xuyên hơn, họ không còn phải đợi đến dịp tết Roya Haji nữa. Những người phụ nữ Chăm thường đến các phiên chợ, chọn những miếng thịt bò ngon nhất, thay vì chỉ được lọc thịt tại con bò trong lễ hội. Ngoài ra, có nhiều người không thích ăn chua, cũng đã bỏ bớt cơm hoặc không cho cơm vào khi ướp, để món lạp xưởng chỉ còn vị béo bùi của thịt bò. Đây là món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng, có người đến các ngôi làng Chăm khi tham quan An Giang chỉ để nếm thử món “tung lò mò” đã được bạn bè tấm tắc khen ngợi.