Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Cuba đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng của thời đại

Thứ Ba, 24/09/2024 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắt Việt Nam - Cuba là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng, mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Cuba đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và Nhân dân hai nước luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Đồng chí Tô Lâm và đồng chí Miguel Díaz-Canel Bermúdez (Ảnh tư liệu)

Nhận lời mời của Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hoà Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta tiến hành chuyến thăm Cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba.

Đây là chuyến thăm nước ngoài thứ hai và là chuyến thăm Cuba đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cả hai cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba. Tái khẳng định mạnh mẽ sự ủng hộ nhất quán của Việt Nam đối với sự nghiệp Cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em. 

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba vào năm 2025 (2/12/1960 - 2/12/2025). 

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt của hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn.

Chuyến thăm Cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng diễn ra vào thời điểm then chốt, đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt Nam - Cuba. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước chuẩn bị cho Đại hội XIV. Cuba đang nỗ lực triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cuba và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và quá trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón Thủ tướng Fidel Castro sang thăm chính thức Việt Nam, ngày 15/9/1973.
Ảnh: Tư liệu TTXVN  

Ngay sau ngày cách mạng Cuba thành công (1/1/1959), Cộng hòa Cuba là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/12/1960) (nay là nước CHXHCN Việt Nam), đồng thời công nhận Phái đoàn đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962) và thành lập Ủy ban toàn quốc đoàn kết với miền Nam Việt Nam (25/9/1963); công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965) và cũng là nước đầu tiên cử Đại sứ bên cạnh Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (3/1969). 

Những năm thập niên 1970 của thế kỷ trước, trong thời kỳ gian khổ nhất cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, dù cuộc sống còn khó khăn, song Đảng, Nhà nước và Nhân dân Cuba anh em luôn đồng hành, chắt chiu dành cho Việt Nam sự ủng hộ lớn nhất cả về vật chất lẫn tinh thần; đã bán hàng vạn tấn đường lấy ngoại tệ gửi cho Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đánh Mỹ; gửi nhiều kỹ sư, công nhân, bác sĩ và nhân viên y tế cùng thuốc men, dụng cụ y tế giúp chữa trị cho người dân Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 9/1973, bất chấp tình hình nguy hiểm, Chủ tịch Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Thay mặt nhân dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội với tổng giá trị khoảng 80 triệu USD gồm: (Khách sạn Thắng Lợi, Trại bò giống Ba Vì, tuyến đường Sơn Tây - Xuân Mai (Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), Xí nghiệp gà Lương Mỹ. 

Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Fidel Castro và Chính phủ Cuba quyết định chi hơn 6 triệu USD để mua những thiết bị hiện đại (từ những nước phương Tây) và cử một số chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh… 

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. Cộng hòa Cuba là nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ Latinh ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Khóa họp 32, Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977. 

Trong suốt những thập niên 1980-1990, mặc dù đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là chống lại chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Cuba anh em luôn và thường xuyên viện trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu như: thuốc men, vacxin, lương thực cho nhân dân Việt Nam.

Đáp lại tình cảm to lớn đó của Nhân dân Cuba đã dành cho Việt Nam, sau khi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Ðông Âu sụp đổ, Mỹ, phương Tây siết chặt cấm vận, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Cuba anh em cũng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Trong hoàn cảnh khó khăn Đảng, Nhà nước và Việt Nam chúng ta đã luôn dành cho đất nước anh em Cuba sự ủng hộ hết lòng, đã gửi gạo, quần áo, đồ dùng học tập và nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sang giúp Nhân dân Cuba. 

Với những nghĩa cử cao đẹp đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tiếp tục viện trợ lương thực, thực phẩm, máy móc và trang thiết bị giúp nước bạn, đồng thời tích cực vận động các quốc gia trên thế giới kêu gọi Mỹ bỏ bao vây cấm vận Cuba.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Raúl Castro (9/2/2021)  

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi Cuba phải đương đầu với “thời kỳ đặc biệt” với nhiều thách thức, khó khăn về kinh tế - xã hội và khi Cuba tiến hành đường lối “cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế-xã hội”, Việt Nam đã chân thành chia sẻ với Cuba về kinh nghiệm Đổi mới. Thông qua Ủy ban Liên Chính phủ hai nước, Việt Nam duy trì cung cấp gạo ổn định cho Cuba, triển khai một số dự án hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lương thực và thủy sản tại chỗ, cùng một số chương trình hỗ trợ và hợp tác thiết thực khác.

Nhân dân Việt Nam, với đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm xuất phát từ trái tim dành cho Nhân dân Cuba, đã nhiều lần bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ nhiệt tình đối với Nhân dân Cuba anh em, thể hiện qua các phong trào đoàn kết, ủng hộ Cuba và các đợt quyên góp do các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam phát động. Hai nước luôn phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. 

Việt Nam luôn bày tỏ lập trường nhất quán ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và tài chính chống Cuba; tích cực tham gia hoặc đăng cai tổ chức các Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên ASEAN ủng hộ Cuba tham gia, ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ngày 10/11/2020. 

Nhìn lại, trong suốt gần 65 năm qua, kể từ ngày hai nước chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao, hai dân tộc Việt Nam - Cuba đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. 

Tình đoàn kết thủy chung, trong sáng, đầy tinh thần quốc tế cao cả đó của Cuba được thể hiện vô cùng sinh động trong những câu nói bất hủ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, “Trong hòa bình, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng lại Việt Nam mười lần to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”.

Về phần mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà”. 

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn khẳng định: “Đoàn kết, ủng hộ Cuba là lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và toàn thể Nhân dân Việt Nam!”.

Những năm gần đây, quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba được các thế hệ Lãnh đạo không ngừng quan tâm, củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục - thể thao...

Chuyến thăm Cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và những vấn đề quốc tế cùng quan tâm; tiếp tục đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các định hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Cuba phát triển toàn diện, thực chất và bền vững hơn; tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.

Cùng nhìn lại, hơn sáu thập niên trôi qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của hai Đảng, Nhân dân hai nước đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, và Nhân dân hai nước, tiếp tục là minh chứng sinh động về tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắt Việt Nam - Cuba, là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng, mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Cuba đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và Nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Chúng ta vững tin rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định hai bên sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp, quyết tâm đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba sang giai đoạn phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; trong đó tập trung nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư từng bước lên ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam quyết tâm triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Cuba đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là phấn đấu đưa quan hệ kinh tế phát triển tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tại mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên toàn thế giới./.

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN