Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý như thế nào là hợp lý?

Thứ Sáu, 11/11/2016 16:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) mặc dù đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành nhưng chưa đủ rộng, chưa bao quát các đối tượng thực sự cần được trợ giúp pháp lý.

Kế thừa quy định người được trợ giúp pháp lý (TGPL) từ Luật TGPL năm 2006 bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) bổ sung các đối tượng được TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL hiện hành bao gồm: nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội. Bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Trợ giúp pháp lý  miễn phí cho người dân tại Yên Bái. (Ảnh: TH).

Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), ngày 10/11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho hay,  trong hệ thống pháp luật khá phức tạp như “rừng luật” hiện nay thì nhu cầu về trợ giúp pháp lý của những người hiểu biết liên quan đến quy định của pháp luật rất lớn và đối tượng cần trợ giúp trong xã hội cũng rất lớn. Bởi vì, không chỉ các đối tượng chính sách nêu trong dự án luật mà rất nhiều các đối tượng, kể cả những người có tiền, kể cả doanh nhân, kể cả những người có điều kiện về kinh tế cũng có nhu cầu về TGPL.

“Nếu như quy định trong dự thảo thì lại bó hẹp, bó hẹp ở chỗ chúng ta chỉ có nhăm nhăm vào hoạt động TGPL miễn phí cho các đối tượng chính sách”, ĐB nói.

Cho rằng hiện nay Đảng, Nhà nước khuyến khích công tác xã hội hóa về TGPL cũng như mở rộng hoạt động TGPL mà hoạt động TGPL cứ nói rằng miễn phí thì mới thực hiện, ĐB Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị, cần mở rộng hơn nữa hoạt động TGPL cho mọi đối tượng, kể cả hoạt động TGPL đối với các đối tượng có điều kiện về tài chính để mở rộng, đây cũng là kênh rất tốt cho việc hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong người dân, trong xã hội.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng cho rằng, việc quy định lựa chọn những người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính hoặc bị buộc tội mới thuộc diện TGPL là chưa phù hợp và làm thu hẹp một số đối tượng được TGPL so với luật hiện hành. Dẫn ví dụ Luật TGPL hiện hành ở Khoản 2, Điều 10 quy định đối tượng được TGPL là người có công với cách mạng, tức là tất cả các đối tượng có công đều là đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, theo dự thảo lần này thì chỉ những người bị buộc tội mới được TGPL. “Như vậy diện người được trợ giúp pháp lý ở đây đã bị thu hẹp và chúng ta chưa thực hiện được đúng quan điểm đền ơn đáp nghĩa như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo xây dựng luật”, ĐB nói.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đề nghị, giải thích rõ quy định TGPL cho những người khó khăn về tài chính, nhưng thực tế có cả đối tượng không khó khăn về tài chính, như đối tượng thuộc về chính sách, ví dụ người có công, người nghèo, v.v...

“Chúng ta sẽ giải thích như thế nào khi luật có hiệu lực, khi chỉ cung cấp dịch vụ cho người khó khăn thôi nhưng những người này lại không khó khăn”, ĐB đặt vấn đề.  Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung cả những đối tượng thuộc về chính sách, như vậy mới đảm bảo đầy đủ hơn khi luật đi vào trong cuộc sống.

Dẫn thực tế hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động xét về số lượng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận TGPL, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh, pháp luật cần có cơ chế bảo vệ phụ nữ trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, hành vi bạo lực giới.

“So với luật hiện hành có mở thêm đối tượng nhưng chưa đủ rộng, chưa bao quát các đối tượng thực sự được TGPL, thật ra là đang thu hẹp đối tượng được TGPL. Tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi và bổ sung trong việc mở rộng đối tượng được TGPL để họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”,  ĐB Điểu Huỳnh Sang nói.

Tán thành cần tiếp tục rà soát đầy đủ các đối tượng đang được pháp luật hiện hành quy định thuộc diện được TGPL đã quy định trong luật này, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh ( Bình Thuận) cho rằng quy định như vậy sẽ đảm bảo tính nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách nhân văn, nhân đạo đối với các đối tượng nêu trên. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, bổ sung thêm số đối tượng cần được quan tâm của Nhà nước khi có vấn đề liên quan đến vụ việc pháp lý như: người bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội, người bị nhiễm chất độc da cam, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn./.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN