Mở ra cơ hội đưa vải thiều và nông sản Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ
(ĐCSVN) – Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022".
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. |
Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu chính trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang, 4 điểm cầu tại Đại sứ quán, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp (DN), trung tâm thương mại trong nước, quốc tế.
Dự tại điểm cầu UBND tỉnh có ông Hà Kim Ngọc, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ; bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành, địa phương.
Dự kiến hơn 160 nghìn tấn vải thiều năm 2022
Phát biểu tại đây, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, vải thiều Bắc Giang là thương hiệu nổi tiếng, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia, xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ... Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải sinh trưởng phát triển tốt, sản lượng dự kiến hơn 160 nghìn tấn. Trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU với diện tích 218 ha, sản lượng đạt 1,6 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 15/5 đến ngày 30/7/2022.
Về thị trường tiêu thụ, đồng chí Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang coi trọng cả thị trường trong và ngoài nước. Đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh xác định đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn song cũng khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch, an toàn thực phẩm.
Để tháo gỡ những khó khăn này, đồng chí mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ giới thiệu, mời gọi, kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ tìm hiểu, trao đổi, hợp tác, thu mua, nhập khẩu trái vải tươi, các sản phẩm chế biến từ vải thiều và các nông sản có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thảo luận tại hội nghị, từ điểm cầu Washington, D.C, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Bắc Giang trong thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ. Theo bà Nga, việc đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người nông dân mà giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ thưởng thức được sản phẩm đặc biệt này. Để rộng đường xuất khẩu, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về thông tin cũng như kết nối, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang đến các đối tác, địa phương tại Hoa Kỳ.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) cho biết: Để đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, DN đưa ra quy trình 6 bước. Mặc dù vậy, vải thiều khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang gặp phải một số khó khăn như: Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian (30-35 ngày) gây áp lực cho công nghệ bảo quản...
Đại diện tại điểm cầu Washington, D.C (Hoa Kỳ) chia sẻ thông tin về thị trường Hoa Kỳ. |
Về nội dung này, từ điểm cầu Houston, Texas, bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty Dịch vụ Lương Nguyễn cho biết, trong bảo quản trái cây, mỗi DN cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu nhằm giữ được giá trị, chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Muốn vào thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…). Vì vậy, DN phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường.
Theo đại diện Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ, dù có nhiều vướng mắc song việc đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ hết sức ý nghĩa, cộng đồng người Việt tại đây luôn mong muốn được ăn đặc sản quê nhà, đồng thời sẵn sàng ủng hộ. Để thực hiện cần sự chung sức, chung lòng của các bên, trong đó Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và các hãng hàng không nên tính toán, giảm giá cước, có giá đặc biệt cho vải thiều (hiện mỗi 1 kg vải thiều xuất khẩu sang Hoa Kỳ chịu giá cước vận chuyển là 9 USD, chiếm 60% tổng chi phí).
Trao đổi nội dung này, ông Hồ Quang Tuấn, đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vụ vải thiều năm 2021, Vietnam Airlines bố trí nguồn lực để đưa vải thiều Bắc Giang lần đầu “ngồi” ghế khoang hành khách đi các hành trình nội địa và nhiều nước. Năm nay, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang, các DN đưa quả vải thiều đi khắp mọi miền Tổ quốc cũng như vươn ra thị trường thế giới. Hãng bảo đảm sẵn sàng cung ứng 180-200 tấn tải/ngày trên các chuyến bay nội địa và dành khoảng 20% tải trên các chuyến bay quốc tế để vận chuyển vải thiều. Ưu tiên tạo luồng phục vụ riêng cho mặt hàng này, rút ngắn thời gian từ khi tiếp nhận đến lúc phát hàng; giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên các chuyến bay và sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines.
Mở ra cơ hội đưa quả vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết mạnh mẽ và thể hiện rõ quyết tâm làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, song nếu như không có sự hợp tác của các địa phương, DN và người dân thì rất khó hiện thực hóa quyết tâm này.
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tích cực tham gia vào tiến trình này, đây là tiền đề quan trọng để nâng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên lên tầm cao mới. Hội nghị này là khởi đầu tốt đẹp, mở ra cơ hội để đưa quả vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ.
Ông Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội nghị. |
Ông Hà Kim Ngọc cho biết, nhiệm vụ ngoại giao phục vụ kinh tế hiện nay lấy địa phương, DN và người dân là trung tâm nên khi tất cả cùng đồng sức, đồng lòng sẽ thành công. Tuy nhiên, để đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, tỉnh, các DN và người dân cần chạy đua với thời gian bởi từ nay đến vụ thu hoạch không còn dài.
Ông lưu ý, tháng 5 tới có sự kiện quan trọng trong mối quan hệ của ASEAN với Hoa Kỳ. Do đó, các cơ quan thương vụ, DN tại Hoa Kỳ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vải thiều tại Hoa Kỳ nhân sự kiện này. Qua đó tạo được dấu ấn, sự lan tỏa về hình ảnh, hương vị cũng như thương hiệu vải thiều Bắc Giang đến người dân Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương cảm ơn các đại biểu, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng DN phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị này. Đồng thời nhấn mạnh ý kiến phát biểu tại hội nghị ở các điểm cầu đều rất sâu sắc, cởi mở và cùng thể hiện quyết tâm, nguyện vọng đưa vải thiều đến với thị trường Hoa Kỳ. Qua hội nghị, tỉnh cũng như các DN, người dân nhìn nhận rõ hơn những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức khi đưa trái vải đến với người dân, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục, tháo gỡ.
Đồng chí Lê Ánh Dương thông tin, năm 2021, các sản phẩm của Bắc Giang xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 2 tỷ USD và trở thành địa phương cung cấp các linh kiện điện tử chính cho một số hãng nổi tiếng của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, tại thị trường Bắc Giang, các sản phẩm trái cây nổi tiếng của Hoa Kỳ đã có mặt từ lâu, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Táo, nho, dâu tây...
Các đại biểu chứng kiến các DN, đơn vị liên quan ký Biên bản hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ. |
Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù định hướng phát triển thành tỉnh công nghiệp song Bắc Giang vẫn giữ 4 huyện miền núi để xây dựng vùng phát triển xanh, tập trung cho nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất trái cây trọng điểm của cả nước, trong đó vải thiều là sản phẩm đặc sản, chủ lực. Những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm tiên tiến để hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Đối với vải thiều, hiện đã xuất khẩu được từ 40-50% sản lượng song chủ yếu vẫn là xuất tươi, sản phẩm chế biến còn hạn chế. Trong tương lai, UBND tỉnh sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư, DN vừa tham gia xuất khẩu vải thiều tươi, vừa đầu tư công nghệ để xuất khẩu sản phẩm qua chế biến.
Đồng chí khẳng định, hội nghị lần này mở ra cơ hội mới để vải thiều cũng như nông sản của tỉnh đến với thị trường Hoa Kỳ. Mặc dù còn nhiều rào cản song với sự quyết tâm của các bên, nhất là DN và sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan chức năng hai nước, Bắc Giang tin rằng sẽ vượt qua các rào cản, đưa trái vải thiều đến với người dân Hoa Kỳ, tạo tiền đề đưa các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh đến thị trường khó tính này. Đồng chí mong muốn các cá nhân, tổ chức cũng như DN tiếp tục đồng hành, ủng hộ, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương đến bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, các DN, đơn vị liên quan ký Biên bản hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ./.