Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Miền Trung khẩn trương chuẩn bị phương án chống bão Trà Mi

Thứ Năm, 24/10/2024 22:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Miền Trung khẩn trương chuẩn bị phương án chống bão Trà Mi; Hải Phòng: Bắt giữ tàu chở hơn 1.000 tấn than không rõ nguồn gốc; Duma quốc gia Nga phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (24/10).

Miền Trung khẩn trương chuẩn bị phương án chống bão Trà Mi

Ngày 24/10, để ứng phó với bão Trà Mi (cơn bão số 6), một số tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chuẩn bị các phương án, khuyến cáo người dân không nên chủ quan và kêu gọi tàu thuyền tới nơi tránh trú an toàn.

Cụ thể, ngày 24/10, thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh vừa ký ban hành công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc ứng phó với cơn bão Trà Mi (bão số 6).

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Các đơn vị chức năng được yêu cầu tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển...

Người dân TP Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh trú bão. (Ảnh: Công Huy). 

Tại tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cũng có công văn gửi các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… chủ động di dời dân đến nơi an toàn.

Quảng Nam cũng lập sẵn 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp. Trong đó, trường hợp bão mạnh, cả tỉnh sẽ di dời 212.000 người; nếu là siêu bão sẽ sơ tán 396.000 người.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lũ theo phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đã được phê duyệt... Đồng thời, rà soát, đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Trước mắt, trang bị điện thoại vệ tinh cho Bí thư và Chủ tịch tỉnh để phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão số 6, đảm bảo việc điều hành, liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng phát công văn khẩn yêu cầu thủ trưởng các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó bão số 6; chỉ được đi công tác ngoài tỉnh khi có công việc cần thiết, không thể vắng mặt nếu chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xuống địa bàn được phân công để phối hợp, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi; duy trì liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 24/10, toàn tỉnh có 306 tàu cá với 3.783 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và đang khẩn trương đi tránh trú an toàn.

Hải Phòng: Bắt giữ tàu chở hơn 1.000 tấn than không rõ nguồn gốc

Chiều 24/10, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ lượng lớn than không rõ nguồn gốc.

 Lực lượng Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tàu chở lượng lớn than không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng).

Trước đó, tại khu vực luồng sông Cấm thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, lực lượng tuần tra, kiểm soát Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng tiến hành kiểm tra phương tiện thủy nội địa, vỏ sắt, biển kiểm soát TH-1555, trọng tải 1.346 tấn, công suất máy 491CV, trên phương tiện có 3 người, do ông Ngô Hồng Hải, sinh năm 1990, đăng ký thường trú tại xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng hơn 1.000 tấn than hành trình từ Hải Phòng đi Hưng Yên tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Ngô Hồng Hải, thuyền trưởng Tàu TH-1555 không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hoá nêu trên. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, số than trên có trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Duma quốc gia Nga phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên

Tại phiên họp toàn thể ngày 24/10, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã phê chuẩn Hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Triều Tiên. Hiệp ước ký tại Bình Nhưỡng ngày 19/6 và được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra Duma phê chuẩn ngày 14/10.

Hiệp ước quy định hai nước thường xuyên hỗ trợ và phát triển quan hệ đối tác chiến lược dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau cũng như dựa trên luật pháp quốc tế và mỗi nước.

Trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa trực tiếp xảy ra hành động bán đảo Triều Tiên đối với một nước, theo yêu cầu của một bên, hai bên ngay lập tức sử dụng kênh liên lạc song phương để tham vấn phối hợp lập trường và biện pháp hỗ trợ loại bỏ mối đe dọa.

Nếu một bên bị tấn công vũ trang từ bên thứ ba thì bên kia ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện hiện có theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp hai nước.

Theo Hiệp ước, hai nước có nghĩa vụ không ký với các nước thứ ba thỏa thuận chống lại chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, quyền bầu cử tự do và phát triển hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và các lợi ích then chốt khác của bên kia cũng như không tham gia vào các hoạt động như vậy.

Hai bên không cho phép nước thứ ba sử dụng lãnh thổ của mình để vi phạm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của nước kia.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày 19/6/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN).

Phát biểu tại phiên họp của Duma, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết Hiệp ước ký kết trong bối cảnh thay đổi cơ bản tình hình địa chính trị trong khu vực, gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuất hiện các liên minh quân sự, xuất hiện các hệ thống tên lửa của nước ngoài trong khu vực đe dọa an ninh của Nga. Vì vậy hiệp ước có nhiệm vụ đóng vai trò ổn định ở Đông Bắc Á, đóng góp tích cực vào cân bằng lực lượng trong khu vực trên cơ sở an ninh không chia cắt, giảm nguy cơ tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có thể có sử dụng vũ khí hạt nhân, đặt cơ sở xây dựng hệ thống an ninh Á-Âu mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh Hiệp ước không nhằm chống lại an ninh của các bên thứ ba và chỉ mang tính chất phòng thủ.

Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georghi Zinoviev nhấn mạnh Nga vẫn theo đuổi chính sách giải quyết ngoại giao tình hình trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở an ninh không chia cắt và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này./.

TL (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN