Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

(ĐCSVN) - Những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài theo sườn núi, những ngôi nhà sàn mái cọ phủ đầy rêu phong, những đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hay những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao đã mang đến cho vùng đất Xà Phìn (Vị Xuyên, Hà Giang) tiềm năng du lịch dồi dào, thu hút hàng nghìn du khách tìm đến khám phá, trải nghiệm mỗi năm.

Chúng tôi có mặt tại Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) vào một ngày đầu tháng 10, thời điểm đặc biệt khi những thửa ruộng bậc thang đang chuyển màu vàng óng, đẹp hút hồn trên dọc cung đường khúc khuỷu, chênh vênh hơn 10km từ ngoài Quốc lộ lên tới thôn. Ngày hôm ấy, đồng chí Cấn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, cũng đang có mặt tại thôn vừa để gặp gỡ, chia sẻ với bà con cách thức đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch homestay, vừa trực tiếp giúp từng hộ dân nộp hồ sơ, hoàn tất các thủ tục kinh doanh theo quy định của Nhà nước.

 Do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, nên rêu phát triển mạnh trên những mái nhà lá cọ của các hộ người Dao, tạo điểm khác biệt thú vị khiến nhiều du khách nhớ tới khi đến với Xà Phìn.

Xà Phìn hôm nay đang hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng để chuẩn bị ra mắt Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Bộ tiêu chí đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt. Niềm nở giới thiệu với đoàn chúng tôi, đồng chí Cấn Văn Hiển cho hay: So với nhiều làng khác, Xà Phìn sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch như có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là khí hậu quanh năm mát mẻ. Người dân trong thôn cũng đã ý thức làm du lịch và những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao trong thôn vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

 Đồng chí Cấn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, giới thiệu đặc điểm của những ngôi nhà mái rêu ở thôn Xà Phìn.

 

Điểm đặc biệt nhất của Xà Phìn là quần thể cây trà san tuyết cổ thụ, hệ thống ruộng bậc thang và kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Dao. Do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao nên rêu phát triển mạnh trên những mái nhà lá cọ của các hộ người Dao ở Xà Phìn, tạo điểm khác biệt thú vị được nhiều du khách nhớ tới. Những nếp nhà cổ được người dân địa phương lợp bằng lá cọ, theo thời gian phủ đầy rêu xanh mướt tạo thành nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh thiên nhiên tràn ngập sắc vàng rực rỡ của những thửa ruộng bậc thang.

Theo chia sẻ của đồng chí Cấn Văn Hiển, trong số 54 hộ người Dao sống tại thôn, hiện có hơn 40 hộ lợp mái bằng lá cọ, những lớp rêu xanh mướt phủ trên mái nhà được hình thành do đặc thù về thời tiết quanh năm độ ẩm cao, sương mù và mưa nhiều. Nhà nào càng lâu đời thì lớp rêu phủ trên mái càng dày đặc. Những thảm rêu còn được ví như “tấm giữ nhiệt” giúp cho mỗi ngôi nhà của đồng bào mát về mùa hè và ấm hơn về mùa đông. Không những vậy còn tạo cảnh quan độc đáo, ấn tượng với du khách khi đến với Xà Phìn.

Những thảm rêu phủ trên mái được ví như “tấm giữ nhiệt” giúp cho mỗi ngôi nhà của các cộng đồng người Dao mát về mùa hè và ấm hơn về mùa đông. 

Do nằm ở độ cao trên 1.000m, cộng thêm địa hình có độ dốc lớn đã tạo tác cho Xà Phìn những thửa ruộng bậc thang mềm mại, uốn lượn đến tận chân mây.

Ruộng bậc thang gắn với lịch sử cư trú cũng như quá trình cải tạo tự nhiên của đồng bào Dao nơi đây, trở thành cây lương thực chính nuôi lớn biết bao thế hệ người Dao. Người dân địa phương cho biết, mùa lúa ở Xà Phìn thường muộn hơn các vùng khác, lúa được cấy vào khoảng giữa tháng 6, đầu tháng 7 và cho thu hoạch vào trung tuần tháng 10. Do vậy, thời điểm này Xà Phìn đang đẹp và hấp dẫn hơn cả khi được khoác lên mình “tấm áo mới” vàng óng của lúa chín hòa cùng không gian bao la, xanh ngát của núi rừng, mây trời.

Nhiều du khách không quản ngại khoảng cách về địa lý, lựa chọn Xà Phìn là điểm đến đầu tiên trên cung đường khám phá Hà Giang và tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời giữa “mùa vàng”.

Xà Phìn có vị trí thuận tiện cho việc di chuyển, chỉ cách thành phố Hà Giang khoảng 15km, nên không ít du khách từ nhiều nơi xa đã lựa chọn đây là điểm đến đầu tiên trên cung đường khám phá Hà Giang và tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời giữa “mùa vàng”.

Hơn thế nữa, du khách đến đây còn được cùng bà con trải nghiệm hái chè shan tuyết nức tiếng, tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến chè; thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của địa phương như: Cá bỗng, cá hồi, cá tầm, măng chua, rau rừng…; hay cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nghệ nhân dân gian người Dao.

Đặc biệt, do nằm bên sườn dải núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ nên nếu là người yêu thích khám phá, mạo hiểm, Xà Phìn chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua do nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh - nơi được mệnh danh là nóc nhà của vùng Đông Bắc với độ cao 2.428m.

Là một trong những hộ dân đầu tiên trong thôn mạnh dạn làm du lịch, anh Thành, chủ một homestay ở Xà Phìn nhớ lại: Do bén duyên với du lịch từ những việc đơn giản nhất như làm xe ôm, dẫn tua, rồi dần dần được học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở trong và ngoài tỉnh cũng như của các đơn vị kinh doanh lữ hành; tiếp đó là tham gia các lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức.

Homestay của Thành hiện có thể đón tối đa 18 khách lưu trú ở phòng Dorm. 

 

Từ số vốn tích lũy ban đầu cộng thêm nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thành quyết định chỉnh trang nhà cửa, đầu tư cơ sở vật chất làm homestay đón khách nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống của đồng bào Dao. Đến nay sau 3 năm, homestay của chàng thanh niên Dao dần hoạt động ổn định khi vừa phục vụ ăn uống cho du khách vừa có thể đón tối đa 18 khách lưu trú cùng thời điểm ở phòng Dorm. Việc kinh doanh du lịch cộng đồng còn giúp Thành trả được 70% khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội trước đây và đem lại mức thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, đáng mừng hơn cả là còn tạo sinh kế ổn định không chỉ cho anh mà còn cho nhiều hộ dân khác trong thôn.

Việc kinh doanh dịch vụ homestay giúp Thành có khoản thu nhập ổn định khoảng 4-5 triệu mỗi tháng.

 

Dịch vụ Homestay ở thôn Xà Phìn bước đầu được hình thành từ năm 2021. Nhận thức được tiềm năng phát triển loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng tại nơi đây, các hộ làm Homestay trong thôn đã cùng nhau liên kết thành lập hợp tác xã để đảm bảo có tính pháp lý cao hơn và chuyên nghiệp hơn, qua đó cùng nhau phát huy thế mạnh, duy trì bản sắc văn hóa và phát triển bền vững kinh tế từ dịch vụ du lịch cộng đồng.

Thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến do UBND huyện Vị Xuyên ban hành, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức cho bà con như lớp hướng dẫn viên du lịch, lớp nấu ăn, hướng dẫn kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Địa phương cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp giải quyết nhu cầu vay vốn cho bà con. Theo đó hỗ trợ các hộ làm dịch vụ du lịch vay 100 triệu với mức lãi suất ưu đãi là 3,6%/năm, thấp hơn so với mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Do đó bà con đều rất hồ hởi và mạnh dạn đăng ký vay vốn đầu tư kinh doanh.

“Nguồn vốn vay tuy không nhiều nhưng chúng tôi xác định động viên bà con từ những điều nhỏ nhất, giúp bà con phát huy vai trò chủ động. Ngoài ra bà con còn được huyện hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về truyền thông, quảng bá; được tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương khác, từ đó có thể trực tiếp cảm nhận và thay đổi nhận thức về cách thức làm du lịch” - Đồng chí Hiển cho biết.

“Qua học hỏi, rút kinh nghiệm, huyện và xã xác định tập trung phát triển du lịch theo từng bước, không nóng vội, cố gắng hoàn thiện từng tiêu chí để mang đến những sản phẩm du lịch cộng đồng phù hợp nhất cho du khách, do chính người dân địa phương trực tiếp tạo ra và mỗi người dân đều phải được hưởng lợi” - Phó Chủ tịch xã Phương Tiến bộc bạch.

 Du khách lưu trú tại thôn còn được cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nghệ nhân dân gian người Dao...

Khi được hỏi về một số khó khăn, đồng chí Hiển chia sẻ thêm: Hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ làm dịch vụ du lịch homestay theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Hà Giang đã hết hiệu lực. Do đó chính quyền địa phương đang cố gắng vận dụng hợp lý và đúng quy định các nguồn hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (đặc biệt là Dự án 6), hỗ trợ bà con xây dựng các công trình vệ sinh, lắp đặt hệ thống biển bản chỉ dẫn các dịch vụ du lịch trong thôn. Đặc biệt vừa qua, huyện Vị Xuyên cũng đã chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho xã khắc phục những điểm sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ trong thời gian qua, kịp thời thông đường phục vụ việc đi lại của người dân cũng như đón du khách đến với Xà Phìn.

 ... và trải nghiệm hái chè shan tuyết cổ thụ.

 

Đến thời điểm hiện tại, thôn Xà Phìn đã cơ bản hoàn thiện các nội dung theo Bộ tiêu chí Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh Hà Giang, chỉ còn 01 tiêu chí sẽ được tiến hành thẩm định trong thời gian tới.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng hành của mỗi người dân, vùng đất Xà Phìn hiện tại không chỉ là điểm tham quan, nơi trải nghiệm, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế nhờ giữ được nguyên trạng nét hoang sơ, cổ kính, cùng văn hóa đặc trưng của đồng bào người Dao. Hơn thế nữa, nơi đây còn là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong gắn kết cộng đồng, trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Cũng nhờ đó, du lịch Xà Phìn những năm gần đây ngày càng khởi sắc với hàng nghìn lượt du khách tìm đến thăm quan, trải nghiệm mỗi năm, nhờ đó giúp người dân từng bước có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 
Hoa Hiền - Phương Nghi
17/10/2024 08:55
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN