Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp phát huy tiềm năng du lịch bằng nhiều sản phẩm du lịch như: Du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, về nguồn; du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm; duy trì tổ chức Festival Trà Thái Nguyên từ năm 2011 đến nay… Đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho khách thăm quan trải nghiệm, sử dụng dịch vụ tại các điểm đến.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh tại Hà Nội.

Khai thác lợi thế địa phương, loại hình du lịch “Xanh” đang được Thái Nguyên triển khai bằng nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, chương trình Famtrip gắn với trải nghiệm hệ sinh thái, văn hóa, nông nghiệp, giúp thu hút du khách góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nổi bật trong các điểm du lịch “Xanh” ở Thái Nguyên có Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xã Thịnh Đức; mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa trà tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên và xã La Bằng, huyện Đại Từ; Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên, huyện Định Hóa; các homestay phục vụ ẩm thực và lưu trú tại khu vực suối Kẹm, xã La Bằng; Hồ Ghềnh Chè farmstay (Bình Sơn - Sông Công); Hoàng Nông farm, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, Du lịch sinh thái thăm quan vườn bưởi Hoàng Nông, đồi chè Cầu Đá, Hợp tác xã chè Hảo Đạt.

Phát triển du lịch ở Thái Nguyên phù hợp với xu hướng du lịch xanh, bền vững của thế giới, cũng là 1 trong 3 sản phẩm du lịch mới mà Việt Nam đang chú trọng phát triển, một nội dung quan trọng trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Thái Nguyên có khoảng hơn 20 nghìn ha chè chuyên canh với sản lượng khoảng 240.000 tấn. Toàn tỉnh có hơn 65 hợp tác xã, trên 120 công ty sản xuất trà và gần 200 làng nghề chè đến từ 6 vùng đặc sản của tỉnh với nhiều sản phẩm đã đạt giải cao của quốc tế. Những đồi chè ngút ngàn xanh mướt nổi tiếng của Thái Nguyên không đơn thuần chỉ là sản phẩm thuần nông của vùng đồi núi trung du Bắc bộ, mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

ĐIỂM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG XÃ TÂN CƯƠNG

Xã Tân Cương là tâm điểm của vùng đất “Đệ nhất danh Trà”. Người dân Tân Cương kết hợp sản xuất chè với làm du lịch và phát triển kinh tế. Từ năm 2016, vùng chè đặc sản Tân Cương đã được công nhận là điểm du lịch địa phương, mang đến cho khách tham quan nhiều trải nghiệm chân thực. Trong đó, phải kể đến các điểm như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã chè Tâm Trà Thái, Hợp tác xã Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên...

Ở đây khách tham quan có thể chụp ảnh tại những đồi chè, trải nghiệm cùng người dân hái chè, sao chè, pha trà, thưởng trà, tham gia các chương trình biểu diễn văn hóa đậm bản sắc văn hóa địa phương. Ngoài ra, có khá nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách như: Nhà hàng ẩm thực, nhà sàn phục vụ lưu trú cộng đồng với sức chứa từ 40 - 50 khách. Du lịch cộng đồng ở Tân Cương đang ngày một hấp dẫn hơn, các dịch vụ đang ngày càng hoàn thiện hơn để đón tiếp, phục vụ du khách.

 Một góc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. 

KHU BẢO TỒN NHÀ SÀN DÂN TỘC THÁI HẢI

Khu nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tại xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên là “Làng du lịch tốt nhất năm 2022”, nằm trong số 32 điểm đến trên toàn thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố. Điểm đến “Xanh” này có trên 200 thành viên sinh sống với 30 ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Tày, Nùng tuổi đời nửa thế kỷ, hơn 70 ha không gian xanh tươi bởi núi đồi và cỏ cây. Đặc biệt là nền văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây.

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG XÓM MỎ GÀ

Xóm Mỏ Gà, tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày cùng với các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đến điểm du lịch cộng đồng này, khách thăm được dâng hương đình Mỏ Gà, một ngôi đình thiêng được xây dựng từ những năm 1920, thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh đại vương – Dương Tự Minh. Bên cạnh đó du khách được trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tận hưởng không khí trong lành, ngủ đêm trên những ngôi nhà sàn thoáng đãng, trải nghiệm các hoạt động của người dân như thu hoạch các loại trái cây tại vườn, đan lát các sản phẩm thủ công truyền thống. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị núi rừng và những tiết mục văn nghệ do người dân địa phương biểu diễn.

Cùng với việc khai thác lợi thế về thiên nhiên và nền văn hóa bản địa đa dạng, các điểm di tích lịch sử như Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Bảo tàng văn hóa các Dân tộc Việt Nam… đang là trở thành nền tảng, chất liệu cơ bản để địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch về nguồn, qua đó làm tốt việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích, tạo sức lan tỏa cho điểm đến, đồng thời là những “địa chỉ đỏ” thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước, khẳng định sức hấp dẫn của loại hình du lịch đậm chất nhân văn này.

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỊNH HÓA

Di tích Quốc gia đặc biệt An Toàn Khu (ATK) Định Hóa “Chiến khu Việt Bắc”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở, làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), nơi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đi tới thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là một quần thể Di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, có ý nghĩa và giá trị trên nhiều mặt.

Là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, những tên xóm, làng, tên rừng, núi, suối của ATK Định Hóa đã đi vào lịch sử, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên và của cả nước. Di tích ATK Định Hóa đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Khu du lịch sinh thái ATK - một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái cộng đồng đang chào đón du khách đến khám phá. Sự xuất hiện của điểm du lịch này cũng góp phần đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm cho du khách khi về với khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến của ATK Định Hóa, của căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA 60 LIỆT SĨ THANH NIÊN XUNG PHONG ĐẠI ĐỘI 915, ĐỘI 91 BẮC THÁI

Khu Di tích Lịch sử Quốc gia tại địa bàn phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, nơi Tổ quốc ghi công 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Các chị, các anh đã anh dũng hy sinh nhưng hình ảnh và chiến công vẫn vang vọng mãi trong lòng mỗi người, nhất là người dân “Đất Thép”.

Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. Tổ quốc đã ghi công các liệt sĩ thanh niên xung phong. Nhân dân địa phương xây dựng Nhà Tưởng niệm, lập bia để lưu danh truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Hằng năm, Khu di tích này đón tiếp hàng vạn lượt du khách hành hương, viếng lễ, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng các thế hệ người Việt Nam, một điểm nhấn trong hành trình du lịch về nguồn của du khách khi tới “Thủ đô kháng chiến”.

BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Tọa lạc ngay trung tâm TP. Thái Nguyên, điểm đến này là một “Mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em, hội tụ các sắc màu văn hóa Việt. Tại đây khách thăm quan có dịp chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh về văn hóa Việt, tìm hiểu về nguồn cội, truyền thống văn hóa các dân tộc ở nhiều vùng miền đất nước.

Bảo tàng có hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời thiết kế quy mô, giới thiệu nhiều nội dung về văn hóa Việt Nam. Mỗi hiện vật ở đây chứa đựng ý nghĩa về đời sống tinh thần, phong tục tập quán để người đến tham quan, trải nghiệm hiểu hơn sự đa dạng, đặc sắc, từ đó thêm yêu những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Bảo tàng đang là một điểm thăm quan hấp dẫn với du khách khi tới Thái Nguyên.

 Hồ Núi Cốc gắn với câu chuyện tình huyền thoại chàng Cốc, nàng Công

một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên.

Loại hình du lịch “Xanh” đang cho thấy hiệu quả, khi thu hút ngày càng nhiều du khách đến xứ Trà, doanh thu tăng lên hằng năm, nhận thức người dân ở các địa phương, cộng đồng về phát triển du lịch bền vững chuyển biến tích cực. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống, đang là điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội ở tỉnh Thái Nguyên./.

 
N.Dương (Nguồn: Hội nghị Du lịch tỉnh Thái Nguyên)
17/04/2023 14:29
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN