Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

  ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ

Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013. Đờn ca tài tử Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác người dân, xuất hiện tại khắp 21 tỉnh phía Nam.

Ở các tỉnh, thành Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã trở thành nếp sống, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Các loại nhạc cụ được sử dụng trong loại hình nghệ thuật biểu diễn này gồm: Đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Hình thức nghệ thuật này kết hợp giữa đàn và ca, thường được người dân vùng sông nước biểu diễn sau những giờ lao động vất vả, giúp tăng ý nghĩa, giá trị của cuộc sống mang sức sống mãnh liệt. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.

Hiện đờn ca tài tử đang trở thành một nét văn hóa hấp dẫn du khách bốn phương khi tới thăm vùng sông nước miền Tây, du khách sẽ không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức trực tiếp loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đặc trưng của miền đất Nam Bộ. 

 

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, hình thành và phát triển từ khoảng thế kỷ thứ X, phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng và khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này giàu tính dân tộc, mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.

Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc Việt Nam, lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn…

Nội dung các vở chèo được người nghệ nhân lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại hay tích cổ truyền miệng dân gian về những số phận bi thương, mối tình chưa thế nên duyên, hay những thói xấu của người đời, những câu chuyện dễ tác động tới cảm xúc người xem. Tính trữ tình và niềm tự hào dân tộc phản ánh rõ nét qua từng tác phẩm được công chúng sôi nổi đón nhận trong mỗi vở diễn.

Vào dịp lễ hội mùa xuân hay những lúc nông nhàn là thời điểm diễn chèo, lúc này, dân làng ùa về sân đình trong nhịp trống hào hùng, lắng nghe tiếng hát, tiếng đàn và chiêm ngưỡng điệu múa uyển chuyển của người nghệ nhân.

 

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, ca trù được ghi danh là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở phía Bắc Việt Nam gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Nghệ thuật Ca trù diễn trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư, hát chơi, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức. Nghệ thuật biểu diễn dân gian này dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Hai loại nhạc khí đàn Đáy và Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam.

Từ Ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn hoặc chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ…

Trong những canh hát Ca trù, tiếng ngâm nga mang giai điệu ca của các đào nương hòa quyện tiếng nhạc cụ truyền thống như đàn đáy, phách, trống... đã trở thành nét hấp dẫn tuyệt vời của loại hình nghệ thuật này.

 

Tuồng (hát Bội) xuất hiện vào thế kỷ thứ XII đời nhà Trần một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Theo các tài liệu về cung đình Huế, môn nghệ thuật dân gian này phát triển cực thịnh vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Hai địa phương có nghệ thuật tuồng phát triển nhắt ở miền Trung Việt Nam là Huế và Bình Định. Đây là những nơi nghệ thuật Tuồng trở nên đặc sắc và có tính bác học cao với lỗi diễn xuất, hát múa đạt tới đỉnh cao.

Ở thời kỳ cực thịnh, trong các lễ hội lớn ở các làng xã nước ta hầu như đều biểu diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã.

Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm, dân tộc Tày, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) biểu diễn Then.

HÁT THEN CỦA ĐỒNG BÀO TÀY, NÙNG, THÁI PHÍA BẮC

Hát Then loại hình nghệ thuật dân gian thẩm thấu đời sống tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, được ví là điệu hát của “thần tiên”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa, phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, một cầu nối giữa con người với trời đất và thế giới thần linh.

Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…

Bên cây đàn tính, những câu ca được xuất phát từ cuộc sống lao động, mang những giá trị văn hóa đặc sắc, những lời ngợi ca đạo đức, phê phán thói xấu gửi gắm đến người xem. Hát Then thường diễn ra vào các dịp lễ quan trọng như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc.

Ngày 12/12/2019, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được tổ chức UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

Nguyễn Dương
31/10/2021 08:25
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN