Tây Bắc không chỉ là xứ sở bao la, hùng vĩ với những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang ẩn hiện trong biển mây trắng mà còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian đã được hình thành, lưu giữ, phát triển qua ngàn đời, góp phần tạo lên sức mạnh nội sinh và sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam.
Theo thống kê dân số, dân tộc Mảng có dân số 3.700 người, sinh sống chủ yếu ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na, địa danh Gium Bai được người Mảng coi là nơi phát tích của dân tộc mình. Quá trình chinh phục tự nhiên, tạo dựng cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp, người Mảng hình thành những quan niệm nhân sinh quan để rồi từ những quan niệm đó đã chuyển hóa thành những phong tục, tập quán riêng trong đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của bản làng.
Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào coi mặt trời là đấng tối cao sáng tạo ra con người và vũ trụ. Truyền thuyết của người Mảng có hình tượng con người sinh ra từ quả bầu, một hình ảnh thường thấy trong truyền thuyết của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Người Mảng quan niệm vũ trụ có bốn tầng: Trên trời là thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới của con người và các loại ma, dưới mặt đất là thế giới của người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới của thuồng luồng.
Sinh sống trên những triền núi cao, bên những dòng suối mát lành, đồng bào lưu giữ những sắc thái văn hoá dân gian đặc sắc, thể hiện qua môi trường diễn xướng, các hoạt động dân gian truyền thống như: Tết Nguyên đán, Tết rằm tháng giêng, Tết ăn lúa mới, phong tục cưới hỏi truyền thống. Đặc biệt là tiếng nói, truyện dã sử, sử thi, dân ca “Xoỏng”, hát đối đáp, các tập tục nông nghiệp, tang lễ... là các hoạt động chính trong đời sống người Mảng.
Người Mảng có 5 dòng họ, mỗi dòng họ lấy một con vật để cầm tinh làm vật tổ theo tín ngưỡng cổ truyền. Các lễ nghi nông nghiệp tập trung nhất là thờ cúng hồn lúa vào dịp thu hoạch mùa vụ hàng năm. Người phụ nữ có vai trò quan trọng thể hiện dưới hình thức mẹ lúa - chủ lễ. Mùa gieo hạt và mùa gặt hái, cộng đồng Mảng chung vui trò chơi, hát, đối đáp ma nữ kéo dài suốt ngày đêm không dứt cuộc. Trong dịp này, các bậc cao niên thường kể sử thi Soỏng Muảng nói về chia đất của cộng đồng Mảng. Các nhạc cụ chiêng, đàn một dây, sáo, khèn cũng được nam nữ người Mảng biểu diễn phản ánh những nét văn hoá tinh túy trong các lễ hội cộng đồng.
Trai gái người Mảng được tự do yêu đương và kết hôn. Nhà trai chủ động hỏi cưới vợ cho con. Lúc đưa dâu có tục đánh nhau giả giữa họ nhà trai và nhà gái để giành cô dâu, thể hiện sự lưu luyến của nhà gái với cô dâu trước khi về nhà chồng.
Nghề thủ công truyền thống của người Mảng đạt trình độ tinh xảo với các sản phẩm đan lát phục vụ trong đời sống, sinh hoạt. Từ những sợi mây, nan giang được chẻ vót họ khéo léo đan thành những vật dụng. Nổi bật là chiếc bem đựng quần áo vải vóc, cất giữ trang sức, trang phục quý hiếm. Sản phẩm này có kỹ thuật mỹ thuật tạo hoa văn, đường nét rất tinh xảo, hài hòa được các dân tộc Mông, Lự, Tày, Thái ưa chuộng. Những sản phẩm làm thủ công cũng là thước đo để đánh giá sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ dân tộc Mảng.
Người Mảng sống xen kẽ cùng một số dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Dao, Khơ Mú. Dân tộc Mảng ở tỉnh Lai Châu có 1.110 hộ, 5.674 khẩu, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh, sống tại 3 huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Trong đó: huyện Sìn Hồ là 32 hộ, 160 nhân khẩu; huyện Mường Tè là 218 hộ, 1.154 nhân khẩu; huyện Nậm Nhùn là 860 hộ, 4.360 nhân khẩu.
Sinh sống lâu đời trên vùng đất Lai Châu và Điện Biên, dân tộc Mảng hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong đó Lễ vào nhà mới là một đặc trưng văn hoá phản ánh đậm nét đời sống văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc Mảng. Người Mảng quan niệm, trong đời người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu. Khi nhà làm xong, vào buổi sáng tốt ngày đã chọn, gia đình làm các thủ tục, nghi lễ vào nhà mới. Ngày được chọn để vào nhà mới là ngày con Ngựa sau đó đến ngày con Rồng, con Dê, con Gà. Đặc biệt, kiêng ngày mất của bố, mẹ của gia chủ, ngày sinh, năm sinh của gia chủ, ngày con Hổ, tránh ngày mất của vợ hoặc chồng đã qua đời.
Già làng Lò A Xoang cho biết, nghi lễ vào nhà mới của người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng, khi vào hai vợ chồng chủ nhà phải đi đầu, các con cháu mang chăn đệm, dụng cụ nấu nướng, các vật dụng sinh hoạt đặt vào vị trí đã định, và cùng nhau nói: “Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé!”. Bữa cỗ trong Lễ lên nhà mới của người Mảng thường rất đông người. Ngoài thân nhân, họ hàng thì hàng xóm, bạn bè của chủ nhà cũng được mời dự.
Sau vài tuần rượu mừng gia chủ, những người biết hát sẽ hát các điệu múa truyền thống của người Mảng. Những điệu hát, múa sinh động hòa quyện tạo nên một hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc và kết nối cộng đồng.
Sinh sống ở vùng cao xa xôi, nhưng đồng bào Mảng vẫn giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống quý giá của dân tộc mình. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần để kết nối cộng đồng, đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trên miền đất địa đầu của Tổ quốc.
CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI, XÂY DỰNG VĂN HOÁ CON NGƯỜI VÙNG CAO
Những năm gần đây đồng bào dân tộc Mảng được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Nhiều đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai như Đề án 2123, Lai Châu là một trong số 6 tỉnh được thụ hưởng đề án. Trong đó có đồng bào dân tộc Mảng đã được hỗ trợ xây dựng phòng học, các chế độ chính sách dành cho học sinh, giáo viên vùng cao…
Tuy nhiên với đặc thù là một dân tộc ít người sống ở vùng xa vùng sâu, giao thông cách trở, thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất, nhận thức một số người còn hạn chế, du canh, du cư đang là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn trong công tác xóa đói, giảm nghèo với người Mảng. Mặt khác quá trình giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác, làm mất dần tiếng dân tộc Mảng, sự chi phối tác động từ các nền văn hoá khác cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển nền văn hoá Mảng. Điều đó đòi hỏi cần có chính sách phù hợp, để phát huy vai trò của chủ thể văn hóa.
Bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, đáng chú ý là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang nhiều mảng sáng cho diện mạo nông thôn miền núi ở Lai Châu. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên. Nhiều hộ thoát nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập…
Theo ông Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cùng các chương trình của Chính phủ như Chương trình 135 dự án 1,2 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Lự, Si La, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Từ tỉnh đến các huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình về giảm nghèo và chỉ đạo thực hiện.
Được biết, giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Lai Châu có 6 huyện nghèo được đầu tư, hỗ trợ xây dựng 231 công trình (đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, lưới điện…); hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ 165.995 ha rừng; nhân rộng 9 mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn các huyện nghèo; mở 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.440 lượt cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo...
Từ năm 2016 - 2018, đầu tư mới 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học thuộc các huyện nghèo); hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho 118.598 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất; thực hiện hỗ trợ khai hoang 32,3 ha; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố... Ngoài ra, đã có 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất.
Thông qua việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, xoá đói giảm nghèo đã tạo ra những tác động tích cực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện về đời sống và tinh thần. Đến nay 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm xã, 90% số thôn bản có đường giao thông nông thôn, 100% số xã có điện lưới quốc gia tới trung tâm xã, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%...
Những kết quả này góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao; giúp củng cố, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em sinh sống trên miền Tây Bắc, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng đất địa đầu của Tổ quốc.