Bài 1: Thừa Thiên Huế: Khát vọng vươn lên thành phố trực thuộc Trung ương
Theo đồng chí Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, phát triển và mở rộng bờ cõi, Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò, vị thế đặc biệt đối với dân tộc và đất nước Việt Nam. Trong đó, với vị trí đặc biệt nằm ở trung độ của cả nước, Thừa Thiên Huế có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam; là nơi “đô hội lớn một phương”, thủ phủ của xứ Đàng Trong, miền đất địa linh nhân kiệt. Thừa Thiên Huế có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa hồn cốt, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; là nơi từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1802) và gắn bó suốt 143 năm với vương triều Nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Huế là cầu nối về văn hóa giữa hai miền Nam Bắc và giữa Việt Nam với thế giới. (Ảnh: Tư liệu) |
Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1 nghìn năm văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân - Huế, để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, là Sài Gòn - Gia Định.
Trải qua chiến tranh với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Thừa Thiên Huế đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, với tinh thần “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử.
Trong giai đoạn (1954 - 1975), Huế vẫn giữ một vị thế quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Cố đô Huế là trung tâm chính trị thứ hai ở miền Nam sau Sài Gòn, là một trung tâm văn hóa, giáo dục và y tế của cả nước. Đồng thời, Huế còn là cầu nối về văn hóa giữa hai miền Nam Bắc và giữa Việt Nam với thế giới.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, toàn Đảng bộ, toàn dân Thừa Thiên Huế ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, được Trung ương tặng tám chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Địa phương khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tỉnh biến những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển hài hòa, hội nhập trên nền tảng, bản sắc riêng, vốn có của vùng đất Cố đô giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, anh dũng, kiên cường; đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong giai đoạn (1954 - 1975), Huế vẫn giữ một vị thế quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Cố đô Huế là trung tâm chính trị thứ hai ở miền Nam sau Sài Gòn, là một trung tâm văn hóa, giáo dục và y tế của cả nước. (Ảnh: Tư liệu) |
Với vị trí chiến lược đặc biệt của mình, ngày nay, Thừa Thiên Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng - an ninh của cả nước. Thừa Thiên Huế kiên trì, nỗ lực, tập trung công sức, trí tuệ, hoạch định chiến lược phát triển; trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm nhằm mở ra con đường phát triển phù hợp; từng bước tạo đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phù hợp với thực tiễn địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.
Đến nay, diện mạo của tỉnh nhà có những thay đổi to lớn và có tính lịch sử, bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét, khởi sắc. GRDP của tỉnh có sự tăng trưởng tích cực qua từng thời kỳ, luôn ở mức cao so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong Khu vực miền Trung.
Văn hóa - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển toàn diện. Bản sắc văn hóa Huế, con người Huế, các giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan môi trường, thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho Huế đã được tập trung gìn giữ, phát huy. Công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế được triển khai toàn diện, di sản Huế đã có sự hồi sinh mạnh mẽ và phát huy hiệu quả. Huế đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách... Tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Chính trị - xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị qua các thời kỳ luôn được quan tâm, chú trọng. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Nội bộ đoàn kết, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Hình ảnh, vị thế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập được nâng cao.
Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn khẳng định mục tiêu xuyên suốt, quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. |
Đặc biệt, quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương với những chủ trương, quyết sách tạo bước ngoặt quan trọng, từ Kết luận 48-KL/TW, Thông báo 175-TB/TW đến Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng với những cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đã mở ra trang sử mới, tạo cơ hội, động lực lớn để Huế phát triển, đi lên đúng với tiềm năng, lợi thế của mình. Qua 3 kỳ Đại hội gần nhất, Đảng bộ tỉnh đã luôn khẳng định mục tiêu xuyên suốt, quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và khu vực đã được triển khai và đưa vào hoạt động. Hạ tầng cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá... được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả. Công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị được quan tâm. Thành phố Huế được mở rộng địa giới và sắp xếp, thành lập các phường phù hợp. Các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đã thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội và các công trình văn hóa khác. Hoàn thành việc di dời các hộ dân trong khu vực 1 Kinh thành Huế. Mô hình đô thị Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh đã được hình thành”.
Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng quê hương hạnh phúc hơn, đáng sống hơn, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn; xứng đáng với vị trí đặc biệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc. |
Có thể nói, qua những chặng đường, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực để bắt kịp nhịp độ phát triển của cả nước, với khát vọng mạnh mẽ vươn cao, vươn xa của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Huế, mục tiêu, khát vọng, mong muốn trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương đã sắp thành hiện thực, đó là sự mong mỏi lớn và là kết quả xứng đáng của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Những bài học thành công và hạn chế đều kết tinh thành nghị lực, hành trang cho Huế bước vào giai đoạn mới.
“Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn đóng góp thiết thực cho Vùng, cho đất nước. Với khí thế mới, niềm tin mới, Huế quyết tâm xây dựng quê hương hạnh phúc hơn, đáng sống hơn, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn; xứng đáng với vị trí đặc biệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.”. Đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định./..