Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất giao thoa của nhiều sắc màu văn hóa với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống hòa thuận, mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hoá riêng, thể hiện qua phong tục, tập quán, trang phục, các lễ hội lâu đời, phương thức canh tác, ẩm thực... bức tranh văn hoá đa dạng và lung linh sắc màu của cộng đồng các dân tộc anh em nơi đây, là một lợi thế để Mộc Châu phát triển ngành công nghiệp không khói.
Cùng đó, thiên nhiên ban tặng Mộc Châu nhiều cảnh đẹp như thung lũng mận Nà Ka, Rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, Ngũ động bản Ôn cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với 2 di tích cấp quốc gia (Hang Dơi, Đồn Mộc Lỵ) và 11 di tích cấp tỉnh…
Từ những lợi thế địa phương, ở Mộc Châu phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn kết với nền tảng văn hoá truyền thống. Các mô hình du lịch được chính quyền địa phương và người dân tập trung khai thác như: Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; xây dựng các bản du lịch cộng đồng như bản Áng (xã Đông Sang); các điểm du lịch cộng đồng tại bản Dọi 1 (xã Tân Lập); bản Vặt (xã Mường Sang); bản Tà Số (xã Chiềng Hắc). Chủ trương phát triển các loại hình du lịch này đang giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mộc Châu có khoảng 220 cơ sở lưu trú, 12 khách sạn từ 1 đến 4 sao; gần 5.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Kết quả khảo sát 6 năm trở lại đây cho thấy, mỗi năm Mộc Châu thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm.
Đồi chè trái tim là một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất Mộc Châu, đồi chè được tạo nên bởi những đôi bàn tay khéo léo của công nhân nông trường |
Trải qua thời gian dài nỗ lực, những đóng góp và sức lao động của con người nơi đây đã khiến vùng đất hoang vu chuyển mình thành phố phường, nhà cửa, đồng cỏ, đồi chè. Các sản phẩm nông sản nơi đây như chè, sữa, rau, hoa quả đã hình thành nên những thương hiệu nổi tiếng, trở thành một vùng kinh tế năng động nhất của tỉnh Sơn La và cả vùng Tây Bắc.
Với những tiềm năng to lớn về tài nguyên tự nhiên, cao nguyên vùng này thu hút đông đảo du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, đồng thời phát triển nhiều loại hình du lịch mới. Theo số liệu thống kê, năm 2010 Mộc Châu mới chỉ đón khoảng 288 nghìn lượt khách, năm 2014 lên tới 700 nghìn lượt khách. Đầu năm 2019, vào dịp cuối tuần hàng trăm xe ô tô nhỏ và xe máy, với hàng nghìn lượt khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành bạn tới tham quan Mộc Châu. Trong tương lai, ngành du lịch Mộc Châu hứa hẹn sẽ phát triển mạnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc.
Chia sẻ về mô hình du lịch cộng đồng, ông Phan Phúc Tiến, Giám đốc công ty Du lịch sinh thái núi Mộc, thị trấn Mộc Châu cho biết: Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương, nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ homestay. Từ năm 2018, ông đã đầu tư, triển khai khu Du lịch sinh thái núi Mộc, trên diện tích hơn 2 héc ta, tại trung tâm thị trấn Mộc Châu. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, đơn vị tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng gắn kết du lịch với môi trường, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Những chiếc bungalow phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng tại thị trấn Mộc Châu |
DẤU ẤN LỊCH SỬ TRÊN VÙNG ĐẤT CÁCH MẠNG
Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến ở đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu (Sơn La), nơi lưu giữ kỷ vật về đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). “Địa chỉ đỏ” này giúp thế hệ trẻ hôm nay học tập, hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.
Khu di tích lịch sử Tây tiến được xây dựng năm 2016, bằng tất cả sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu đối với những người lính nguyện đã hy sinh tuổi xuân vì độc lập tự do Tổ quốc. “Địa chỉ đỏ” này đang là nơi các đoàn đại biểu, cựu chiến binh, khách thăm và học sinh, sinh viên trên cả nước đến để tưởng nhớ, học hỏi, hiểu hơn về những hy sinh mất mát, ý chí kiên cường trên con đường đi làm cách mạng của những thế hệ cách mạng đã đi qua.
Về với di tích cách mạng hôm nay, trong mỗi người bồi hồi, xúc động như được ngược dòng thời gian trở về với những năm tháng hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Những vần thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - chiến sỹ đoàn binh năm xưa vẫn mãi vọng dài thăm thẳm, khắc tạc vào thời gian, không gian đất trời Tây Bắc: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành...”.
Khu di tích thiết kế diễn đạt bối cảnh không gian trong bài thơ Tây Tiến |
Nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật quý về Trung đoàn 52 Tây Tiến |
Tại nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật của Trung đoàn 52 Tây Tiến, khách thăm được chứng kiến những kỷ vật quý về đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm (1945-1954). Trong số nhiều hiện vật quý có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ đoàn binh Tây Tiến được trang trọng gìn giữ tại đây. Hay hiện vật - bức tranh “Nuôi dấu thương binh” của họa sỹ Quang Thọ (chính trị viên Trung đoàn 52 Tây Tiến) được tác giả vẽ từ một câu chuyện có thật về tình nghĩa quân dân trong kháng chiến chống Pháp.
Theo Ban quản lý Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến: Đại tá Trần Kỳ (chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến) đã kể lại, trong một lần hành quân đánh địch, giằng co nhiều ngày anh bạn cùng tiểu đội kiệt sức đã gục xuống rệ đường, anh chỉ tay vào túi áo ngực nói thều thào, Trần Kỳ ơi tớ mệt quá không đi nổi nữa rồi nhờ cậu hãy chuyển giùm bức thư và nói với cậu mợ, tớ luôn nhớ về gia đình. Đói lả, chân tay bủn rủn tôi chỉ biết động viên đồng đội hãy cố gắng lên mà nước mắt cứ tuôn trào. May mắn thay một phụ nữ dân tộc sinh sống tại Hòa Bình địu con nhỏ đi nương gặp, chị đã lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường và không ngần ngại vắt chính những giọt sữa trên cơ thể của mình để cứu sống người lính trong cơn nguy kịch. Những giọt sữa ấy thật ấm áp tình người, ấm áp tình quân dân. Bức tranh chính là sự tri ân sâu sắc của họa sỹ Quang Thọ nói riêng cũng như của Trung đoàn 52 dành tặng đồng bào Tây Bắc.
BỨC TRANH THIÊN NHIÊN KỲ VỸ
Trên cung đường Tây Bắc, bên quốc lộ 6, những tháng cuối năm hoa đào đã khoe sắc sớm. Đào ở Sơn La rất đa dạng, từ đào rừng, đào cổ, đào mèo…nhưng hoa đào nở đẹp và nhiều nhất tại huyện Vân Hồ và khu vực giữa thị trấn Nông trường Mộc Châu với xã Tân Lập.
Huyện Vân Hồ tách ra từ huyện Mộc Châu năm 2013, huyện gồm 14 xã có địa hình cao nguyên, núi rừng, đèo dốc hùng vĩ. Cảnh quan có thung lũng, thảo nguyên bao la, rừng già Xuân Nha, đồi chè Shan Tuyết cổ thụ, hồ sông Ðà, thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên, hang mộ Tạng Mè, thác Chiềng Khoa... nền văn hoá ở địa phương đặc sắc thể hiện qua hệ thống các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, Dao, H’Mông…
Ở Vân Hồ không khó để tìm các điểm dịch vụ lưu trú (homestay) tại các bản, làng như bản Hua Tạt (xã Vân Hồ), bản Bướt (xã Chiềng Yên), bản Phụ Mẫu, Nà Bai, Lóng Luông (xã Lóng Luông), Thín (xã Xuân Nha), Suối Lìn… sức hấp dẫn của mô hình dịch vụ homestay giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm một cách tự nhiên, gần gũi, giao hoà với môi trường thiên nhiên từ những mái nhà sàn truyền thống, đến những mảnh vườn xanh tươi, hay trong cách đón tiếp khách thân mật như đón người thân đi xa trở về.
Điểm nhấn trong hoạt động du lịch tại các điểm dịch vụ lưu trú ở hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu là tập trung khai thác, giới thiệu với du khách những giá trị văn hoá bản địa. Những mảng màu văn hoá của đồng bào các dân tộc được tập trung khai thác gồm: Các phong tục tập quán lâu đời, các hoạt động dân gian như múa xòe Thái, ném Pao, thêu thổ cẩm truyền thống, múa khèn, hát dân ca cổ, tham quan các lễ hội truyền thống, khu sinh thái để tạo sức hấp dẫn với du khách.
Du lịch văn hóa gắn liền với bản sắc văn hoá truyền thống là một hướng đi ở huyện Vân Hồ |
Tại homestay Tráng A Chu, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ), được biết ở thời điểm thuận lợi mỗi hộ làm du lịch cộng đồng có thể đón tới 400 - 500 lượt du khách/tháng. Năm 2019, homestay A Chu đã đón khoảng 7.200 lượt du khách chưa kể số khách tới đây đặt ăn nhưng không nghỉ lại. Cũng như gia đình anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt còn có các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, nổi bật là các hộ A Sếnh, A Giàng, A Thống, A Sang. Đây là những điển hình làm du lịch cộng đồng trong các bản, làng ở Vân Hồ. Mô hình du lịch cộng đồng đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân nơi đây.
Một mảng mầu văn hoá - du lịch đậm nét khác, đó là vùng chuyên canh hơn 800 ha đào, mận tại hai xã Vân Hồ, Lóng Luông, vựa hoa quả lớn nhất của tỉnh Sơn La có năng xuất thu hoạch hơn 4.000 tấn/năm. Vào dịp cuối năm, hay mùa xuân, nhiều du khách tới đây không khỏi ấn tượng trước sắc đỏ của hoa đào, sắc trắng hoa của hoa mận, hoa mai nở rực rỡ khắp núi rừng, thung lũng hay trải dài trên những con đường dẫn về bản nhỏ, tạo nên khung cảnh trữ tình, nên thơ.
Những mùa hoa đào, hoa mận trên cao nguyên, lưu giữ hình ảnh đẹp về đất và người nơi đây, tạo một tiềm năng to lớn để khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh những loại cây trồng chính, những năm gần đây huyện Vân Hồ đã mở rộng trồng trên 30 ha trồng dược liệu quý gồm đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân, đương quy... hình thành một điểm đến sinh thái hấp dẫn thu hút du khách.
Một góc homestay phục vụ khách du lịch ở Vân Hồ |
Ngoài mô hình du lịch sinh thái, địa phương còn xây dựng các tua, tuyến du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, văn hóa tại địa bàn sáu xã: Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Tô Múa, Mường Men, Chiềng Khoa. Những nơi ghi dấu lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc như: Nơi tổ chức Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ nhất, tại bản Cóm, xã Mường Men; nơi thành lập trung đội vũ trang đầu tiên tại bản Nà Ðồ, xã Chiềng Khoa...
Đến với cao nguyên Mộc Châu, khách thăm có dịp trải nghiệm nền văn hóa, thiên nhiên kỳ vĩ theo cách chân thực. Những người làm du lịch cộng đồng ở đây đề cao ý thức bảo tồn thiên nhiên, kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững.
Các điểm du lịch như Vân Hồ Ecolodge, homestay A Chu, Khu du lịch rừng thông Hua Tạt, Khu du lịch cộng đồng các bản Nà Bai đều chú trọng khai thác các giá trị văn hoá bản địa, để tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của mình, đồng thời giúp thu hút du khách.
Mộc Châu giúp du khách có nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị từ những nếp sống giản dị trong đời sống thường nhật của người dân nơi đây |
Để vùng đất này phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc, ngày 3/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Theo đó, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu…
Nổi tiếng với nương chè xanh, những mùa hoa nở, những đồng cỏ rộng mênh mông với đàn bò sữa thong dong gặm cỏ. Màu hồng phớt cánh hoa đào, trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mận hay nhẹ nhàng như hoa cải. Mỗi loài hoa một đặc trưng riêng nhưng đều mang nét dung dị, đằm thắm như vẻ đẹp của con người và núi rừng Sơn La.