Đô thị trong sương mờ
Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai còn có tên gọi là Hùng Hồ (Suối Đỏ). Tháng 8/1886, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm Sa Pa, cảm nhận được khí hậu tuyệt vời ở đất này, thực dân Pháp đầu tư xây dựng nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng trong những tháng hè nóng nực. Sau hơn 100 năm, thị trấn Sa Pa ngày nay trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bậc nhất Việt Nam.
Nhà thờ Đá, xây dựng năm 1895 một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn lưu giữ đến nay, một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa. |
Với nhiều du khách, Sa Pa - hình ảnh một đô thị cổ kính trong sương mờ với những cung đường đi qua thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp như tranh vẽ. Nằm ở độ cao trung bình 1500 - 1800 m, khí hậu Sa Pa mang sắc thái xứ ôn đới, nhiệt độ trung bình 15-18°C, từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều. Sa Pa có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đó chính là khí hậu trong lành mát mẻ với những sắc thái đa dạng.
Ga cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng. |
Sa Pa đẹp bốn mùa, vào mùa đông du khách có dịp ngắm tuyết rơi. Sa Pa đẹp nhất vào mùa xuân bởi mây núi, sương mù, sắc đỏ của hoa đào, sắc trắng hoa mai, sắc xanh núi rừng hòa quyện tạo nên bức tranh thiên nhiên đa sắc màu ít nơi nào ở Việt Nam có được. Vào mùa hạ, Sa Pa là địa điểm lý tưởng để tránh cái nắng nóng oi ả.
Từ hạ sang thu, Sa Pa mang vẻ đẹp đặc biệt, vào tháng Tư, tháng Năm đồng bào dân tộc cấy lúa. Trên những thửa ruộng bậc thang, trên sườn núi hay mỗi con đường dẫn về bản nhỏ phủ một màu xanh lúa non dịu mát.
Tháng Chín và tháng Mười mùa lúa chín, khi ấy mọi góc nhìn Sa Pa rực vàng trong màu áo mới - bởi sắc vàng của đồi, núi, ruộng bậc thang với nhiều hình dáng, đường cong mềm mại, những tầng lớp ruộng nối tiếp, trải dài, ngút ngàn tầm mắt.
Ruộng bậc thang, sự biến hóa kỳ ảo của thiên nhiên, khí hậu mát mẻ là tiềm năng để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, giúp khách tham quan có những cung bậc cảm xúc để đến với địa danh vùng cao Tây Bắc.
Chinh phục đỉnh núi Phan Xi Păng ở độ cao 3.143 m là một trải nghiệm đặc biệt hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Ngọn núi nằm ở trung tâm dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là “Nóc nhà của Đông Dương” nằm cách thị trấn Sa Pa 9 km về phía Tây Nam.
Phan Xi Păng, điểm đến kỳ thú
Lựa chọn thích hợp với người già hay trẻ, khỏe hay yếu là đi cáp treo từ thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Phan Xi Păng. Mỗi cabin cáp treo có thể chứa từ 30 - 35 người, di chuyển trong vòng 15 phút. Lợi thế của cáp treo giúp du khách an toàn, không tốn công sức cho “hành trình xuyên mây” này. Trên đường lên đỉnh núi, khách được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên phong phú của dãy Hoàng Liên. Thảm thực vật nơi đây có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…
Sau khi đi hết cáp treo, du khách mất khoảng 30 phút để leo 600 bậc thang lên đỉnh Phan Xi Păng. Đứng ở “Cổng trời Sa Pa” mới cảm nhận hết được vẻ đẹp hùng vĩ, vời vợi mây trời của đỉnh núi Phan Xi Păng. Nơi đây con người và thiên nhiên hòa chung là một. Nhìn xuống dưới là vực sâu thăm thẳm, nhưng tràn đầy sức sống với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát huyền bí. Nhìn ra xa, một vùng trời mây rộng lớn bát ngát xanh thẳm, dòng Thác Bạc của Lào Cai ẩn hiện sau màn sương trắng khiến lòng người xao xuyến. Con đường Phong Thổ - Sapa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như một dải lụa mềm mại uốn lượn theo những sườn đồi thoai thoải.
Đại tượng Phật A Di Đà ở Phan Xi Păng |
“Thành phố trên mây” tựu hợp những công trình kiến trúc đẹp, xuất sắc và thơ mộng giữa núi rừng Tây Bắc như Thanh Phong Thiền Tự (chùa Hạ), Kim Sơn Bảo Thắng, Bích Vân Thiền Tự, Bảo An Thiền Tự, Tháp Chuông, Vân Sơn Trà Quán, các khách sạn, khu mua sắm hiện đại…
Theo GS Hoàng Đạo Kính, người tham gia thiết kế kiến trúc Phan Xi Păng: Cụm công trình tâm linh được thực hiện với nguyên tắc tôn trọng và hạn chế tối đa sự can thiệp vào thiên nhiên, gắn với thiên nhiên và đứng trọn trong thiên nhiên. Công trình hội tụ tinh hoa của kiến trúc chùa gỗ Việt từ thế kỷ 15, 16 theo phong cách mộc, sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên, ngói cũng là ngói cổ phục chế. Những chi tiết trang trí góc mái được lấy từ các tiền mẫu di chỉ tại thành Thăng Long.
Trong quần thể các công trình tâm linh, nổi bật là Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5 mét, ngự ở độ cao 3.000m, trong tượng đặt Ngọc Xá lợi Phật cất giữ trong tháp đồng nhỏ, đặt trang trọng trong tháp pha lê lưu ly 7 tầng, tỏa sáng lung linh giữa không gian trang nghiêm, lộng lẫy.
Ngọc Xá lợi Phật do các cao tăng Myanmar tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm và được tổ đình cúng dường Đại tượng Phật tại Phan Xi Păng, nguyện cầu quốc thái dân an. Ngự tại nơi mạch nguồn linh khí đất trời, giữa đỉnh non thiêng hùng vỹ, Xá lợi Phật khiến địa danh này thêm linh thiêng, ý nghĩa. Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách và Phật tử bốn phương đến chiêm bái.
Thời điểm thích hợp để chinh phục Phan Xi Păng vào tháng 10, tháng 11 hoặc tháng 2 và tháng 3 hằng năm. Đặc biệt vào mùa xuân, Phan Xi Păng trở nên quyến rũ hơn khi mọi loài hoa đều đua nhau nở rộ, nhất là hoa đỗ quyên, đây cũng là thời điểm diễn ra các lễ hội, hoạt động tâm linh và văn hóa Tây Bắc quy mô như Hội xuân Mở cổng trời, Lễ hội khèn hoa...
Trải nghiệm khám phá “Nóc nhà Đông Dương”, anh Pierre, một du khách người Pháp chia sẻ: Phan Xi Păng - hùng vĩ và bí ẩn, nơi không thể khám phá hết, sức quyến rũ của nó là vô tận.
Sa Pa hấp dẫn không chỉ ở cảnh quan đẹp mà còn bởi sự hội tụ sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Vào dịp chợ phiên du khách không khỏi thích thú với đủ mọi váy áo rực rỡ của các dân tộc H'Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó... Mỗi dân tộc khác biệt về trang phục, lối sống, tập tục, phương thức canh tác cùng những bản sắc văn hóa riêng, phong phú và bí ẩn.
Bản Cát Cát của người H'Mông
Bản du lịch Cát Cát. |
Bản Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ nằm giữa mây ngàn, núi gió, điểm đến lý tưởng để tìm hiểu, khám phá đời sống, bản sắc văn hóa người H’Mông. Từ trung tâm thị trấn Sa Pa du khách đi khoảng 2 km đến bản Cát Cát, cảnh vật ở đây thanh bình với những nếp nhà 3 gian theo lối kiến trúc cổ truyền thống, nhiều mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu. Đồng bào sống quần cư và canh tác ngay gần những khu đất ở, điều đó tạo nên một mối liên hệ gần gũi trong cộng đồng người dân ở các bản làng.
Cát Cát còn bảo lưu khá tốt các nghề thủ công truyền thống như: Trồng bông, lanh, dệt vải. Các sản phẩm thổ cẩm ở đây được đánh giá cao về độ tinh xảo, sự phong phú trong những họa tiết trang trí, đặc biệt là kỹ thuật nhuộm chàm. Sau khi nhuộm người H’Mông lăn vải trên khúc gỗ tròn lên tảng đá bằng phẳng có bôi sáp ong. Đến bản khách thăm có cơ hội sở hữu cho mình những sản phẩm trang sức bằng đồng bằng bạc tinh xảo, rất đẹp mắt.
Các mặt hàng lưu niệm tinh xảo ở Cát Cát |
Để hiểu hơn về đời sống sinh hoạt cũng như những nét đẹp trong văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa, du khách tới thăm bản Tà Phìn của người Dao Đỏ, Bản Tả Phìn cách thị trấn Sapa khoảng 14 km (hướng đi thành phố Lào Cai) nằm trong thung lũng bốn mặt là núi, bản khá rộng và bằng phẳng. Nơi đây nổi tiếng với thương hiệu “tắm lá thuốc Dao Đỏ”, trải nghiệm du lịch homestay. Ngoài thăm quan bản, động người xưa, du khách có thể mua đồ thổ cẩm, thưởng thức các món ăn đặc sản do các nhà hàng tại đây phục vụ.
Từ thị trấn Sa Pa đi về phía tây nam khoảng 9 km tới bản Lao Chải. Bản làng của người H’mông có những ngôi nhà tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, trước mặt là dòng suối Mường Hoa chảy qua, những mảnh ruộng bậc thang ở đây rộng thênh thang, Lao Chải là bản có phong cảnh hữu tình, đẹp nhất nhì Sapa.
Đi qua bản Lao Chải 3 km sẽ tới bản Tả Van, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Giáy. Nằm trong thung lũng có suối Mường Hoa chảy qua, ruộng bậc thang ở đây rất đẹp. Cùng với Lao Chải kết hợp thành một tên gọi chung cho địa điểm du lịch “Lao Chải - Tả Van”. Hiện Tả Van là bản phát triển du lịch homestay mạnh mẽ và có nhiều nhà homestay cho thuê nhất ở Sa Pa.
Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 2 km, tới bản Sín Chải của người H’mông đen - địa điểm lý tưởng cho du khách quan sát và tìm hiểu về cuộc sống bản địa, người dân ở đây nồng hậu, mến khách. Nét đặc trưng ở đây là những ngôi nhà vách gỗ của người H’mông trải dài từ đầu bản đến cuối bản, ruộng bậc thang mang nét đặc sắc riêng vào mùa lúa.
Cùng hướng với tuyến Lao Chải – Tả Van, bản Hồ của người Tày nằm trong thung lũng nhỏ hạ lưu của suối Mường Hoa, nơi có những cung đường hùng vĩ, đẹp mắt. Điều thú vị nhất khi đến bản Hồ là tìm hiểu đời sống văn hóa của người Tày, trải nghiệm ngủ homestay ở những ngôi nhà sàn nơi đây, hay thưởng thức ẩm thực người Tày và tắm suối.
Trong số các bản làng làm lên sự đa dạng văn hóa ở Sa Pa, bản Ý Linh Hồ xã San Sả Hồ rất thích hợp với tour đi bộ. Xã có nhiều nhóm dân cư nhỏ, sống trên những dãy núi cao và dốc. Những căn nhà sàn đơn sơ, nhỏ xinh của người Mông bằng đất hoặc tre nứa bên những triền ngô xanh mướt, những thửa ruộng bậc thang vàng óng bắt mắt. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân địa phương.
“Các bản làng ở Sa Pa là một phần đặc sắc không thể thiếu của tour du lịch Sa Pa” anh Tô Hồng Long, công ty Đông Phương traver cho biết.
Khai thác các sản phẩm du lịch từ bản săc văn hóa truyền thống, một cách làm đem lại hiệu quả kinh tế của người dân ở các bản du lịch ở Sa Pa. |
Bảo tồn, gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của Sa Pa
Sa Pa đẹp kỳ diệu, tuy nhiên để níu chân du khách, các nhà quản lý tại Sa Pa đang tập trung tổ chức quy hoạch, tránh dung nạp quá nhiều công trình kiến trúc nhân tạo bất đối xứng để giữ gìn nét đẹp tự nhiên của Sa Pa. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở Sa Pa đang được tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành tập trung đầu tư rất lớn, tuyến cao tốc nối Hà Nội - Lào Cai đến Sa Pa đi vào hoạt động giúp đón du khách đến Sa Pa một cách thuận tiện, nhanh chóng. Theo quy hoạch điều chỉnh năm 2019, tới đây Lào Cai sẽ có sân bay Sa Pa công suất 3 triệu hành khách/năm để “mở cửa” bầu trời đưa, đón các du khách từ mọi miền đất nước đến với đô thị trong sương.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, những tháng cuối năm 2020, ngành đang xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch thúc đẩy tăng trưởng du lịch các hoạt động kích cầu du lịch như: Lễ hội hoa hồng và rượu vang Pháp - ẩm thực vùng cao Lào Cai tại khuôn viên Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Sa Pa; Ngày Văn hoá Hàn Quốc tại Sa Pa; khôi phục chợ tình Sa Pa... Với những giải pháp, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai và ngành Du lịch Lào Cai, diện mạo du lịch Sa Pa triển vọng sẽ phát triển nhanh hơn, hướng tới mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách vào năm 2030.
Sa Pa - kỳ quan vùng Tây Bắc ẩn chứa bao điều kỳ diệu của thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lào Cai đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.