Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.
Từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên 21/6/1925 đến tháng 8/1945, trong vòng 20 năm, hoạt động báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và sáng lập tờ Việt Nam độc lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Mặc dù bận rất nhiều công việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng. Nói về mục tiêu của báo chí cách mạng, trong phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4/1959), Người chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.
Bác Hồ với các nhà báo năm 1960 |
Theo Người, giữa cách mạng và báo chí có sự thống nhất hữu cơ, bởi vì “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.
Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, và “không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu |
Những lời căn dặn của Bác Hồ với người làm báo
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.
Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.
Người nêu rõ, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? .
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác.
Bác căn dặn người làm báo rằng: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái tự cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu |
Viết thế nào cho thật giản dị, chân thực
Theo quan điểm của Chủ tịch , đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là nhân dân. Trong "Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng" năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo".
Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16.4.1959 . Ảnh tư liệu |
Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác một lần nữa khẳng định: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng". Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy bao trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh — quốc phòng, quan hệ quốc tế.
Xác định rõ đối tượng chủ yếu của nền báo chí cách mạng, Bác cũng đặt vấn đề về cách viết thế nào cho thật giản dị, chân thực để nhân dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi.
Làm báo, phải nói đúng sự thật
Từ kinh nghiệm hoạt động báo chí và từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiệu quả, công dụng của báo chí truyền thông, Người lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là "những điều mắt thấy, tai nghe". Nghĩa là viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bởi theo Bác, sự thực vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng.
Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác đã nhận xét rằng, ưu điểm của các nhà báo là cơ bản nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Một trong những khuyết điểm đó là "nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn". Do đó, Người căn dặn: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".
Hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên phải đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Học Bác làm báo, còn là học đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử
Không chỉ tạo điều kiện cho các nhà báo làm việc, Bác còn trực tiếp giúp biên tập. Trong tin tường thuật Lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 của Nguyễn Mạnh Hào (Việt Nam Thông tấn xã) đưa lên Bác duyệt, có câu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua trai gái, già trẻ”…, Bác cầm bút đỏ, làm dấu ngoặc hoán vị “trai gái” thành “gái trai”. Bác nói: Để “trai gái”, trai trước gái sau là không tôn trọng phụ nữ; hơn nữa để “trai gái” người ta dễ nghĩ đến chuyện trai gái, không hay.
Bác Hồ tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam. (Tư liệu) |
Xem Báo ảnh Việt Nam số 7/1965, thấy có bài "Càng leo cao càng ngã đau". Bác góp ý ngay: "Báo chí viết phải thật chính xác. Ai leo cao? Ai ngã đau?". Khi xem tranh áp - phích đăng ở bìa 4 Báo ảnh Việt Nam số 4/1968 với nội dung “Hà Nội chào mừng Huế, Sài Gòn”, Bác phê bình: “Tranh vẽ như thế không đúng! Tại sao trong ba cô gái, cô gái Hà Nội lại to hơn và nổi bật hơn hai cô kia?”.
Đầu năm 1967, Bác gửi cho báo Ảnh Việt Nam hai bức ảnh, một bức o dân quân nhỏ giải phi công Mỹ cao lênh khênh đang cúi đầu; bức ảnh thứ hai chụp một cô y tá đang băng bó cho một tên giặc lái Mỹ bị thương. Hai bức ảnh này đăng ở báo Ảnh số 2/1967 đã gây nên một sức truyền cảm mạnh mẽ.
Những di sản quý báu của Người, trong đó có tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng những người cầm bút, sáng mãi trong sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam.
Noi gương nhà báo Hồ Chí Minh
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội và là diễn đàn của nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội, cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm được điều đó, đội ngũ những người làm báo trong cần tích cực trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ, phong cách làm báo theo gương nhà báo Hồ Chí Minh.
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII |
Trước hết, học tập Bác ở tính trung thực trong tác nghiệp báo chí. Đây là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nền tảng của người làm báo, đòi hỏi khi viết báo phải trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện “giật gân” để câu khách, “xào xáo” những thông tin có sẵn để viết bài. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực về sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận.
Thứ hai, đề cao tính chiến đấu, tính định hướng trong từng bài báo. Tính chiến đấu là đặc trưng nổi bật trong phong cách làm báo Hồ Chí Minh. Theo Bác, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên người viết báo phải thể hiện rõ sự ủng hộ hay phản biện đối với vấn đề, sự kiện mà mình đang phản ánh.
Thứ ba, học tập cách viết của Bác. Cách viết là biểu hiện đặc trưng phong cách nhà báo Hồ Chí Minh, nên đối với nhà báo quân đội phải học cách viết sao cho lối hành văn ngắn, gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao.
Thứ tư, xác định đúng đối tượng, mục đích viết. Học tập phong cách của Người, trong quá trình tác nghiệp, người viết báo phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích, nắm được đối tượng độc giả của tờ báo cả về trình độ, tâm tư, nguyện vọng và phải luôn tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”.
Các phóng viên đạt giải Báo chí Quốc gia năm 2018 |
Thực tế đã chứng minh, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.
Đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới, báo chí nước ta đã đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là một trong những động lực trực tiếp tham gia và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.