Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

                                    Tự hào dưới cờ Tổ quốc ở Nam Sudan 

 

Chào cờ và hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, với nhân dân. Hiểu được ý nghĩa đó, thời gian vừa qua, nghi thức chào cờ được Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tại Nam Sudan (BVDC2.3) duy trì đều đặn vào mỗi thứ 2 đầu tháng. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Bentiu, Nam Sudan bên cạnh lá cờ màu xanh của Liên hợp quốc thật đẹp và nhiều cảm xúc!

 Quốc kỳ Việt Nam tung bay bên cạnh cờ Liên hợp quốc tại Nam Sudan

Là người dân Việt Nam, mỗi khi được đứng dưới cờ Tổ quốc và hát vang bài “Tiến quân ca” chắc hẳn ai cũng có chung cảm xúc  trào dâng yêu mến, tự hào. Cảm xúc ấy còn được nhân lên bội phần khi nghi thức chào cờ diễn ra ở một quốc gia châu Phi –  nơi cách rất xa Tổ quốc. Với các chiến sỹ mũ nồi xanh của BVDC2.3, mỗi buổi chào cờ như thế còn là sự động viên,  cổ vũ, thôi thúc để họ không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh khi tham gia trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS).

Ngày 25/3/2021, BVDC2.3 đã chính thức lên đường đến Nam Sudan tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan. Sau mười bốn ngày cách ly theo quy định của Phái bộ và chính quyền nước sở tại và hơn một tuần thực hiện công tác tiếp nhận cơ sở vật chất, hạ tầng, quy trình vận hành từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, đến ngày 15/4/2021 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động.

Nghi thức Chào cờ được BVDC2.3 duy trì đều đặn vào mỗi thứ 2 đầu tháng.

Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình của Ban Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2), các cán bộ, nhân viên BVDC2.3 đã nhanh chóng nắm bắt những vấn đề cốt lõi về việc vận hành trang thiết bị, quy trình vận hành và hoạt động của bệnh viện tại địa bàn. Trước đó, trong quá trình huấn luyện, làm công tác chuẩn bị ở trong nước, Lãnh đạo, chỉ huy và các trưởng bộ phận, các vị trí quan trọng của hai bệnh viện đã có sự kết nối, chia sẻ cho nhau để BVDC2.3 có sự chủ động về con người và trang thiết bị, vật tư mang theo bảo đảm cho xuyên suốt nhiệm kỳ một năm và có thể lâu hơn thế nữa. Bên cạnh đó, trong đội hình 63 cán bộ, chiến sỹ BVDC2.3 tham gia thực hiện nhiệm vụ lần này có hơn mười đồng chí cán bộ, nhân viên đã từng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) và có kinh nghiệm thực tiễn tại địa bàn. Đây cũng là một lợi thế cho BVDC2.3 trong những ngày đầu hoạt động.

Ghi dấu ấn từ những ngày đầu hoạt động

Theo Thiếu tá Trần Đăng Khoa – Phó giám đốc chuyên môn BVDC2.3, mặc dù triển khai trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng Bệnh viện đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, ghi dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế ngay từ những ngày đầu đến địa bàn.

 Các thành viên đội AMET phối hợp với tổ bay đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình vận chuyển bằng trực thăng.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, lãnh đạo chỉ huy bệnh viện nhận thấy có nhiều bất cập trong việc sử dụng cổng di chuyển vào bệnh viện: phải đi qua đơn vị công binh của Pakistan và khu nhà ở dành cho cán bộ, nhân viên trước khi vào khu khám, chữa bệnh. Bởi vậy, lãnh đạo Bệnh viện đã nhanh chóng làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan tại phân khu Unity, căn cứ Bentiu để đề xuất và thúc đẩy việc mở cổng mới cho bệnh nhân có thể di chuyển trực tiếp vào khu khám chữa bệnh của bệnh viện.

Việc chuyển sang cổng mới giúp việc di chuyển ra vào bệnh viện thuận lợi hơn cho cả bệnh nhân và cán bộ nhân viên. Đúng ngày khai trương cổng mới, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 20 lượt bệnh nhân, số lượng bệnh nhân bằng gần một tháng điều trị của một bệnh viện dã chiến cấp 2 thông thường tại Phái bộ UNMISS trong điều kiện dịch bệnh xảy ra thông thường. Đây được xem là một dấu hiệu đáng mừng cho một nhiệm kỳ “đầy bận rộn” của cán bộ, nhân viên BVDC2.3. Những nỗ lực của các cán bộ nhân viên y tế những ngày sau đó đã được Trưởng phòng Y tế và các cơ quan Phái bộ đánh giá cao về chất lượng dịch vụ y tế và thái độ phục vụ của các y bác sĩ Việt Nam.

Trong  số các bệnh nhân được BVDC2.3 tiếp nhận, có một bệnh nhân mắc hội chứng Stevens-Johnson sau tiêm vắc-xin, đây là ca rất hiếm gặp. Hội chứng Stevens-Johnson là một phản ứng sau tiêm được đánh giá là nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. BVDC 2.3 đã tiếp nhận và xử lý theo đúng hướng dẫn của y văn, sau 7 ngày điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân đã ổn định, các tổn thương đã tiến triển rõ rệt, diễn biết tốt. Đây là ca bệnh thể hiện được khả năng chuẩn đoán và điều trị cũng như trình độ truyên môn của các y bác sỹ Việt Nam.

Thượng úy Đinh văn Hồng (Đội trưởng đội cấp cứu đường không (AMET) của Bệnh viện) cho biết: Trong tháng đầu tiên kể từ khi tiếp nhận mọi hoạt động từ BVDC2.2, BVDC2.3 đã thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 100 lượt bệnh nhân và đặc biệt đã thực hiện 4 ca cấp cứu, vận chuyển đường không, trong đó có 1 trường hợp phải vận chuyển cấp cứu từ địa bàn có bệnh nhân đến Bệnh viện. Vì nơi đón bệnh nhân là Pariang– một trong những điểm nóng tại Nam Sudan, cách BVDC2.3 130km, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa phe chính phủ và phe đối lập, nên các thành viên trong đội vận chuyển ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị y tế, còn chuẩn bị cả áo giáp và mũ sắt và tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối cùng, Đội AMET đã hoàn thành nhiệm vụ đón bệnh nhân người Mông Cổ bị viêm ruột thừa về BVDC2.3 an toàn, kịp thời. Song song với nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển đường không, Đội AMET cũng thường xuyên tự huấn luyện chuyên môn để nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cho toàn đơn vị.

Chủ động, tích cực khi làm nhiệm vụ

Theo Thiếu tá Phạm Văn Hảo – Phó Giám Đốc quân sự BVDC2.3,  Bệnh viện được chia làm 2 khu vực là điều trị bệnh thường và khu điều trị bệnh nhân truyền nhiễm. Tất cả các bệnh nhân khi được sàng lọc tại cổng hoặc các bệnh viện cấp 1 có các dấu hiệu bệnh lý truyền nhiễm sẽ được đưa vào khu vực truyền nhiễm. Tại khu vực truyền nhiễm, toàn bộ nhân viên y tế sẽ mặc trang phục phòng dịch để tiếp xúc với bệnh nhân làm tất cả các xét nghiệm tại đây. Còn tại khu vực dành cho các bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh lý truyền nhiễm, Bệnh viện cũng vẫn tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phòng chống dịch của Liên hợp quốc và Phái bộ, cũng như quy định 5K của Việt Nam. Hiện nay, Bệnh viện đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên Bệnh viện và hỗ trợ việc xử lý các biến chứng sau tiêm của các Bệnh viện dã chiến cấp 1 trong Phái bộ.

Cán bộ, chiến sỹ BVDC2.3 luôn giữ tinh thần chủ động, tích cực khi làm nhiệm vụ. 

Thiếu tá Phạm Văn Hảo cũng cho biết, toàn bộ cán bộ, nhân viên BVDC2.3 đều giữ tinh thần làm việc chủ động, tích cực, và trình độ chuyên môn tốt, trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp và làm việc với bệnh nhân và nhân viên  LHQ tại Phái bộ. Ngay từ khi ở trong nước, các cán bộ, nhân viên của BVDC2.3 đã xác định sẽ có một nhiệm kỳ xuyên suốt tại địa bàn mà không về phép. Chính vì vậy, mọi người đã có tinh thần chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi có mặt tại địa bàn đã nhanh chóng ổn định mọi mặt từ nơi ăn, chốn ở đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong quá trình sinh hoạt và làm việc, đã luôn đoàn kết một lòng, lấy công việc chung là mục tiêu cao nhất để hoàn thành. Điều kiện sống và làm việc có thể khắc nghiệt, cuộc sống vật chất có thể còn thiếu thốn, nhưng lòng nhiệt huyết, niềm tin và tinh thần đoàn kết phải luôn sẵn sàng, đó chính là phương châm sống, làm việc mà mỗi cán bộ, nhân viên của BVDC2.3 đã cùng nhau tạo dựng và kiên quyết giữ gìn trong suốt thời gian nhiệm kỳ phái bộ.

Gửi gắm tình yêu đất nước qua những sản phẩm sáng tạo

 
Cổng Bệnh viện được nhóm cán bộ, chiến sỹ trẻ  trang trí bằng bức tranh vẽ hình hoa sen - một loài hoa đặc trưng của Việt Nam 
 

Không chỉ là những quân nhân chỉ biết đến công việc chuyên môn, các cán bộ chiến sỹ của BVDC 2.3 luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo để biến cuộc sống ở Nam Sudan nhiều nắng gió trở nên “đậm chất thơ” hơn. Từ những ngày cách ly tại Thủ đô Juba, ấn tượng với những viên sỏi nhỏ xinh được rải quanh khu vực cách ly, các cán bộ chiến sỹ đã tranh thủ lựa những viên sỏi đẹp nhất để mang về đơn vị tại Bentiu (cách đó khoảng 900 km). Được sự ủng hộ và khuyến khích của Ban Giám đốc, tại Bentiu, Chi đoàn BVDC 2.3 đã lên kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng kết nên hình dáng đất nước bằng những viên sỏi đặc trưng của đất nước Nam Sudan. Sau 1 ngày làm việc miệt mài, cán bộ, nhân viên bệnh viện đã hoàn thành việc xếp và gắn các viên sỏi thành dải đất hình chữ S cùng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi bật với Thủ đô Hà Nội hình ngôi sao vàng và thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ.

 Bác sỹ Tống Vân Anh – Bí thư Chi đoàn BVDC 2.3 cho biết: “Chúng tôi muốn gửi gắm qua bức tranh làm bằng sỏi này là tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ nhà của các cán bộ chiến sỹ Bệnh viện; đồng thời muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do đơn vị kết nghĩa là Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phát động. Bức tranh sỏi này được đặt ngay sảnh Tiếp đón của Bệnh viện, mỗi khi nhìn thấy hình dáng đất nước, mỗi chiến sĩ đều cảm thấy tự hào mình là người con đất Việt, sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Tổ Quốc giao cho”.

Không chỉ vậy, với mong muốn tạo cảnh quan đẹp và đem hình ảnh hoa sen Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, nhóm Sáng tạo của  BVDC 2.3 gồm những chiến sĩ trẻ, nhiệt huyết đã tranh thủ sau giờ làm việc, cùng nhau vẽ nên bức tranh hoa sen trên nền cổng chính mới của đơn vị. Những bông hoa rực rỡ sắc hồng trên nền lá xanh mướt cùng chú chuồn chuồn đã gây ấn tượng mạnh mẽ và thích thú không chỉ đối với các cá nhân, đơn vị đến thăm, khám tại đơn vị mà còn những người dân địa phương đi ngang qua con đường này.

Nữ cán bộ, chiến sỹ của BVDC2.3 trong trang phục áo dài truyền thống bên cạnh bức tranh dáng hình đất nước được gắn bằng  những viên sỏi  ở Nam Sudan.
 

Hình ảnh đầy sắc màu này từ bây giờ không chỉ là đặc điểm nhận dạng cổng vào của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam mà còn khoác lên khung cảnh Bentiu đầy nắng và gió bụi chiếc áo mới đậm chất thơ, xoa dịu nỗi nhớ quê nhà của các chiến sĩ mũ nồi xanh.

 

Những câu chuyện nhỏ đời thường

Thiếu tá Bùi thị Xoa - Kỹ thuật viên phòng khám Nha Khoa, người phụ nữ lớn tuổi nhất và cũng là một trong những thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 quay lại Nam Sudan để tiếp tục tham gia trong lực lượng của BVDC 2.3 chia sẻ: “Sau mỗi ngày làm việc, anh chị em của Bệnh viện tham gia tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và tinh thần, rồi cùng nhau tăng gia trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn. Những hoạt động thường ngày bình dị nhưng cũng giúp mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Không chỉ vậy, hằng tháng, các bạn nữ còn trổ tài nữ công gia chánh, làm các loại bánh để chúc mừng các đồng nghiệp có sinh nhật trong tháng. Bệnh viện cũng có các hoạt động giao hữu bóng chuyền với các đơn vị bạn để tăng thêm tình hữu nghị giữa lực lượng của Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

 Sau giờ làm việc, các chiến sỹ trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Vợ chồng bác sỹ Thượng úy Vân Anh và Trung úy Thanh Tùng là hai trong số rất nhiều bác sỹ trẻ tài năng đã được gia đình ủng hộ nhiệt tình để đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. “Điều khiến tôi yên tâm làm tốt nhiệm vụ là gia đình luôn mạnh khỏe, vui vẻ. Những người thân ở nhà vẫn luôn giúp đỡ vợ chồng tôi, quan tâm, chăm sóc bố mẹ hai bên để chúng tôi bớt phần nào lo lắng. Khi sang nhận nhiệm vụ ở Nam Sudan, mỗi ngày đều mang đến cho tôi những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Là bác sỹ sản khoa, lần đầu tiên khám bệnh cho người nước ngoài, phải khắc phục rào cản ngôn ngữ, nhưng tôi luôn có cảm giác phấn khởi và hạnh phúc khi nhìn thấy những em bé Nam Sudan qua màn hình siêu âm. Đó là những niềm vui nho nhỏ, giúp tôi thêm yêu công việc mà mình đang làm” – bác sỹ Vân Anh chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Thị Huỳnh Như – Điều dưỡng Khoa Khám Bệnh bộc bạch: “Tuy mới sang làm nhiệm vụ nhưng nhờ sự hỗ trợ của anh chị em trong Bệnh viện nên mọi việc đều ổn. Chỉ có một điều khiến tôi trăn trở đó là con còn quá nhỏ mà phải xa mẹ. Nhiều lúc nghĩ rất thương và nhớ con. Nhưng tôi cũng rất tự hào vì có bố mẹ hai bên và chồng quan tâm, ủng hộ. Đây chính là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm làm nhiệm vụ”.

Cùng chung suy nghĩ đó, Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo – Điều dưỡng Khoa Ngoại chia sẻ: “Mình chưa bao giờ xa nhà, xa các con lâu như thế, ngày nào cũng tranh thủ hết giờ làm việc là mình gọi về cho gia đình, thăm hỏi sức khỏe của bố mẹ và hỏi thăm tụi nhỏ học hành như thế nào. Bố mẹ mình đã nhiều tuổi nhưng là điểm tựa, là hậu phương vững chắc cho mình, bọn trẻ ở với ông bà nên mình cũng yên tâm công tác”.

Thượng úy Hà Minh Tuấn, thành viên đội AMET, trong lần ra quân đầu tiên của đội, anh đã nhận tin gửi từ quê nhà là vợ anh đã sinh con gái, hai mẹ con đều khỏe mạnh, bình an.

Những câu chuyện nhỏ, bình dị như thế đã tiếp thêm nhiều sức mạnh, giúp cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Những "phóng viên bất đắc dĩ"

 Không chỉ làm công việc chuyên môn, các cán bộ, chiến sỹ  còn luôn cố gắng để ghi lại  những hình ảnh đẹp, chân thực trong  công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

 

Những y bác sỹ quân nhân chưa từng được đào tạo bài bản về viết bài, quay phim, chụp ảnh nhưng luôn cố gắng hằng ngày để ghi lại các hoạt động của Bệnh viện bằng cảm xúc chân thật nhất. Do đặc thù địa lý xa xôi và các yếu tố an ninh, an toàn nên việc các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước có thể tiếp cận và đưa tin, viết bài về Bệnh viện là điều không dễ dàng. Để đông đảo người dân trong nước hiểu về công việc và nhiệm vụ của BVDC 2.3 tại Nam Sudan, các cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện đã trở thành những “phóng viên bất đắc dĩ” bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.

Thượng úy Trần Mai Liên (tổ trưởng tổ truyền thông) chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng chụp những bức hình, ghi lại những thước phim bằng cảm xúc chân thật, gần gũi nhất của người trong cuộc, như một cách để chia sẻ với mọi người về công việc, cuộc sống của các thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Nam Sudan. Chúng tôi sẽ cố gắng để có những sản phẩm truyền thông ngày một chỉn chu hơn, có chất lượng hơn”.

Nhờ có tổ truyền thông, trang fanpage của BVDC 2.3 trên Facebook luôn cập nhật những thông tin liên quan đến Bệnh viện. Trong đó, có những bài thơ, đoạn văn giàu cảm xúc gửi gắm tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sỹ. Chất liệu thơ ca không chỉ làm mới mẻ trang Facebook, mà còn giúp người xem có một góc nhìn khác về lực lượng gìn giữ hòa bình: Những người lính mũ nồi xanh nơi nắng gió khắc nghiệt của châu Phi không chỉ có khó khăn, nhọc nhằn, gian khổ mà cũng có một tâm hồn đậm chất thi ca, nhiều cảm xúc và tình yêu, đặc biệt là tình yêu với quê hương, đất nước.

 Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trong buổi chia tay các chiến sỹ  BVDC2.3 lên đường làm nhiệm vụ

Trong hành trang mang theo, 63 cán bộ chiến sỹ của BVDC 2.3 đã chuẩn bị sẵn sàng quân tư trang và cả sự chuẩn bị về tinh thần cho một nhiệm kỳ kéo dài 1 năm hoặc hơn thế (do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Nhưng trong hành trang ấy còn có một thứ thật đặc biệt, đó là tình yêu Tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng ấy giúp lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam có thêm động lực, tiếp thêm sức mạnh để họ hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình khi đứng trong hàng ngũ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan./.

Thực hiện: Kiều Giang Ảnh do BVDC2.3 cung cấp
29/06/2021 16:30
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN