Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mai Châu (Hòa Bình): Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ Ba, 22/08/2023 15:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian thới, huyện Mai Châu (Hòa Bình) tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, sớm giúp người dân được tiếp cận, hưởng thụ các chương trình, dự án.

Đoàn UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu

Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) được giao trên 45 tỷ đồng từ Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay đã phân bổ trên 45 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo bền vững được giao 9,6 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ vốn đạt 100% kế hoạch vốn. Tổng nguồn vốn được giao từ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 33,3 tỷ đồng, hiện đã phân bổ trên 8,4 tỷ đồng, đạt 25,52% kế hoạch.

Tính đến ngày 18/8/2023, cả 3 nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Mai Châu giải ngân vốn từ năm 2022 chuyển sang và năm 2023 mới đạt tỷ lệ gần 50%.

Nguyên nhân là do còn lúng túng trong quá trình thực hiện, việc thẩm định các công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ huyện đạt chuẩn nông thôn mới còn chậm. Kết quả giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn tuy đạt mục tiêu nhưng chưa thực sự bền vững.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu; việc sáp nhập đơn vị hành chính nên mức thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; ở địa phương chưa có mô hình giảm nghèo hiệu quả; việc xã hội hoá chương trình giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn…

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023, huyện Mai Châu tập trung vận động tuyên truyền người dân, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Thành lập tổ công tác để đôn đốc các đơn vị thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, các phòng chuyên môn của huyện tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành trao đổi cách làm phù hợp; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững theo thứ tự ưu tiên, giải quyết những vấn đề bức thiết và phục vụ nhu cầu sản xuất tại vùng dân tộc thiểu số./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN