Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mai Châu (Hòa Bình): Cần nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn

Thứ Tư, 19/10/2016 17:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ lâu, huyện Mai Châu được biết đến như là một trong những “điểm nóng” của tỉnh miền núi Hòa Bình về tình trạng tảo hôn. Tuy công tác tuyên truyền, vận động đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng triển khai thực hiện, nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cho người dân bản Thung Mài,  xã Hang Kia. Ảnh QM

Thực trạng buồn…

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tìm đến địa bàn hai xã: Hang Kia, Pà Cò - địa bàn “nóng” về tình trạng tảo hôn. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của điều này là tại các phiên chợ, có vô số những bà mẹ trẻ địu con trên lưng như chị cõng em. Có nhiều thiếu nữ mới 16 - 17 tuổi mà đã là mẹ của 2 con nhỏ. Và khi đặt chân vào các bản vùng sâu, vùng xa của hai xã này thì không khó để tìm gặp những bé gái người Mông dù mới 13 - 14 tuổi đã “phải” làm vợ.

Điển hình như đôi vợ chồng trẻ Giàng A S và Khà Thị M ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia. S và M đã để ý nhau từ khá lâu. M thuận tình để S “bắt” về làm vợ khi chưa đầy 13 tuổi. Nhìn dáng người gầy guộc cặm cụi bên khung cửi của cô bé, ít ai nghĩ M đã phải làm đủ mọi việc của người phụ nữ trong gia đình và chuẩn bị trở thành bà mẹ trẻ.

Có thể kể ra hàng chục trường hợp như Khà Thị M ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vùng cao Mai Châu. Điều đáng nói là việc tảo hôn ở đây đang có những diễn biến khá phức tạp theo chiều hướng gia tăng những trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng. Lập gia đình, trở thành cha mẹ, để rồi bản thân họ và những em bé sinh ra sau này phải gánh chịu những hậu quả dai dẳng.

Chuyện như đùa tại một trường học ở Mai Châu: Có cậu học sinh mới 14 tuổi nhưng đã có… 2 đời vợ. Lần đầu bị vợ chê vì tối chỉ biết ngủ, mà lúc ngủ vợ phải… ru, phải vỗ mới chịu ngủ...

Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu cho biết, tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn để lại những hậu quả ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người mẹ và nhiều khả năng sẽ không tránh khỏi những tai biến của sản khoa. Người con gái sinh nở ở độ tuổi thiếu niên rất dễ bị đẻ non, sảy thai. Con của họ cũng phải đối mặt với nguy cơ và những rủi ro về sức khỏe như: Suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu…

Theo thống kê, nạn tảo hôn hiện đang có chiều hướng lan rộng ra hầu khắp các xã, thị trấn thuộc huyện Mai Châu. Năm 2015, có 20/23 xã, thị trấn ở Mai Châu có các trường hợp tảo hôn. Năm 2016, tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát bởi chỉ trong 9 tháng năm 2016, toàn huyện đã ghi nhận được trên 100 trường hợp tảo hôn; trong đó, số vụ tảo hôn cả vợ và chồng chiếm hơn 50%. Riêng xã Hang Kia có trên 50 vụ tảo hôn.

Đồng chí Khà A Lau - Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia chia sẻ: “Đây là thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ bao đời của đồng bào người Mông. Chuyện tảo hôn ở đây còn nan giải lắm!”.

Việc gia tăng tình trạng tảo hôn ở Mai Châu xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết, là do cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con đồng nghĩa với việc sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, thêm người cáng đáng việc gia đình nên điều đó diễn ra càng sớm càng tốt. Mặt khác, từ nhiều đời nay, ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là tại địa bàn sinh sống của đồng bào Mông, tục “bắt vợ” vẫn diễn ra một cách tự nhiên. Khi người con trai thấy ưng bụng cô gái nào thì kéo cô đó về nhà mình. Vấn đề tuổi tác ít được quan tâm.

Cùng với đó, trong ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn ở huyện Mai Châu, việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cá biệt, còn có nhiều trường hợp gia đình cán bộ, đảng viên cũng vi phạm. Cụ thể như ông Vàng A Thào - Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia có con dâu là Khà Y P chưa đầy 16 tuổi; ông Sùn A Lòng, Bí thư chi bộ bản Thung Mài (Hang Kia) có con là Sùng Y X lấy chồng tại thời điểm 16 tuổi 3 tháng… Thực tế này đã làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền của chính quyền các cấp.

Cần nỗ lực đẩy lùi tình trạng tảo hôn

Khách quan nhìn nhận, công tác tuyên truyền phòng, chống nạn tảo hôn đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mai Châu triển khai thực hiện khá đồng bộ. Ngay từ năm 2011, Huyện ủy Mai Châu đã có Chỉ thị số 10 về “Tăng cường tuyên truyền phòng, chống mê tín, dị đoan, tảo hôn”. Mới đây nhất, tháng 4 năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Châu tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03 về “Lãnh đạo phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện, giai đoàn 2016 - 2020”.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh đều tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc xóa nạn tảo hôn. Các xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10 và Nghị quyết số 03. Đồng thời, hình thức xử phạt cũng được chính quyền áp dụng với mức phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng/vụ đối với nhà trai vi phạm tảo hôn. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền, xử phạt chưa được như mong muốn, bởi người dân chưa nhận thức được ý nghĩa của việc ngăn chặn nạn tảo hôn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Hạng ở bản Hang Kia (Hang Kia) hồn nhiên bộc bạch: "Nhà tôi nhiều mận, chỉ cần bán khoảng 30 - 50 kg mận là có đủ tiền nộp phạt cho xã. Có con dâu về làm, chẳng mấy mà thu lại được"(!?), Đáng tiếc, đây lại là suy nghĩ của không ít người dân ở các xã vùng cao huyện Mai Châu.

Có thể thấy, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn ở huyện Mai Châu là một “cuộc chiến” dai dẳng, phức tạp. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa căn bản nhất là cần thay đổi, nâng cao nhận thức cho người dân. Phải làm cho họ tự nhận thấy được những hậu quả lâu dài mà con cháu họ sẽ là người gánh chịu nếu vi phạm quy định về độ tuổi lập gia đình. Có như vậy, nạn tảo hôn mới thực sự bị đẩy lùi khỏi đời sống của đồng bào các dân tộc Mai Châu.

Được biết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống nạn tảo hôn những năm qua, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung quan trọng này. Cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ thôn, bản gắn với xử lý nghiêm túc những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm…

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, hy vọng nạn tảo hôn trên địa bàn huyện Mai Châu sẽ sớm bị đẩy lùi, để các bản, làng vùng cao nơi đây không còn hình ảnh những em thiếu niên làm mẹ khi mới 15 - 16 tuổi./.

Quang Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN