Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lý thuyết về hố đen vũ trụ giành giải Nobel Vật lý năm 2020

Thứ Tư, 07/10/2020 21:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 6/10, giải Nobel Vật lý năm 2020 được công bố trao cho 3 nhà khoa học nghiên cứu một số bí ẩn lâu đời của hố đen vũ trụ.

Trong đó, giáo sư Roger Penrose, làm việc tại đại học Oxford (Anh) đã giành được một nửa giải thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD). Ông đã chứng minh được hố đen là hệ quả trực tiếp của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein.

Ông German Reinharf Genzel, làm việc tại Viện Max Planck và Đại học California (Mỹ), cùng với bà Andrea Ghez, làm việc tại đại học California, chia sẻ nửa còn lại của giải thưởng. Họ đã khám phá ra rằng có một vật thể vô hình và có khối lượng lớn đã chi phối quỹ đạo các ngôi sao ở tâm của giải ngân hà.

Bà Ghez là người phụ nữ thứ 4 trong lịch sử giành được giải Nobel Vật lý sau Marie Curie (năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (năm 1963) và Donna Strickland (năm 2018). Hãng thông tấn Reuters dẫn lời bà Ghez cho biết bà hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho những người khác trong lĩnh vực Vật lý.  

 3 nhà khoa học giành Nobel Vật lý năm 2020. (Ảnh: Nature)

Lý thuyết về hố đen vũ trụ

Từ thế kỷ 18, các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi liệu có vật thể nào trong vũ trụ có khả năng chịu lực hấp dẫn mạnh đến mức ánh sáng không thể nào thoát ra ngoài.

Năm 1915, trong lý thuyết tương đối rộng, Einstein đã đặt vấn đề rằng không gian và thời gian có thể bị biến dạng bởi lực hấp dẫn. Tuy nhiên, Einstein không tin vào sự tồn tại của hố đen. Sau đó, các nhà khoa học đã phải tốn thêm 50 năm nữa để chứng minh hố đen là có thật.

Năm 1965, nhà khoa học Penrose đã chứng minh rằng các hố đen có thể hình thành từ tâm của hố đen, nơi mà thời gian và không gian không tồn tại. Phát hiện của ông đã giành được giải Nobel sau 55 năm, ở tuổi 89.

Sau phát hiện của Penrose, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm một hố đen bằng cách tập trung vào các đám mây bụi trong Dải ngân hà được gọi là Nhân mã A. Hai nhóm nghiên cứu độc lập do ông Genzel và bà Ghez dẫn đầu đã sử dụng kính thiên văn lớn nhất thế giới để quan sát cách các ngôi sao quay quanh quỹ đạo. Sau đó, họ đưa ra kết luận rằng 4 triệu khối lượng mặt trời được tích tụ trong một khu vực có kích thước bằng hệ mặt trời.

Tom McLeish, giáo sư Triết học tự nhiên tại Đại học York (Anh), đánh giá: "Penrose, Genzel và Ghez đã cùng nhau cho thấy các hố đen rất siêu phàm về mặt toán học và thực sự tồn tại."

Vật lý là môn khoa học thứ 2 được trao giải Nobel trong năm nay. Trước đó, giải thưởng Nobel Y học đã được trao cho 3 nhà khoa học vì đã phát hiện ra bệnh viêm gan C./.

Thu Thủy (Theo Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN