Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lý giải chậm tiến độ đường sắt đô thị

Thứ Năm, 13/10/2022 15:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Bộ Giao thông Vận tải lý giải: Việc các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ nguyên do các dự án đều có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.

 Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án duy nhất trong 6 dự án đường sắt tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM được vận hành cho tới thời điểm hiện nay.

Ngày 13/10, Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết Bộ đã trình Chính phủ văn bản dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai 6 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Đáng chú ý trong báo cáo của Bộ GTVT, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ, đội vốn và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo Bộ GTVT, đến nay chỉ có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và đưa vào vận hành và đã được người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải công cộng tại thành phố Hà Nội.

Dự án được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng và tiến độ hoàn thành đặt ra vào năm 2013. Nhưng, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã phải điều chỉnh tiến độ dự án hoàn thành vào tháng 3/2021 và mức đầu tư đội lên gần gấp đôi so với phê duyệt ban đầu (18.001,5 tỷ đồng).

Dự án được bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tháng 11/2021. Theo báo cáo của đơn vị vận hành khai thác cho thấy hiệu quả khai thác vận tải hành khách khu vực được nâng cao. Sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%.

Nhằm nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 1/9/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút.

Còn 5 dự án đường sắt đô thị, mốc tiến độ cũng được điều chỉnh, như sau:

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2007-2017 sau đó điều chỉnh thực hiện từ năm 2017-2024 với tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng. Hiện, dự án mới hoàn thành giải phóng mặt bằng 130 ha khu Tổ hợp Ngọc Hồi và xây dựng khu tái định cư.

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009-2015. Tuy nhiên, do các thủ tục, thời gian điều chỉnh dự án, bị kéo dài nên dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2027 và vốn đầu tư cũng lên tới 35.678 tỷ đồng (tăng thêm 16.123 tỷ đồng).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Năm 2013, Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro. Sau đó, dự án thi công chậm, liên tục phải lùi ngày hoàn thành đến năm 2018 và tiếp tục điều chỉnh đến năm 2022. Hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt 75,2% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 96,8%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33%).

Trước đó, hồi giữa tháng 9/2022, TP. Hà Nội đã có thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng); trong đó đưa vào vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027.

Tin, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN