Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lý do doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội?

Thứ Hai, 12/12/2016 17:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Quy định lãi chậm đóng BHXH được tính bằng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH trong năm nhưng lãi suất đầu tư quỹ BHXH thời gian qua thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng trong cùng kỳ. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp đã cố tình chậm đóng, nợ đóng để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác.

Ảnh chỉ mang tính minh họa: TH

Sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 10/2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 12,66 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 196.417 người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10,82 triệu người, bảo hiểm y tế (BHYT) là 74,47 triệu người. Tổng số thu BHXH, BHYT và BHTN là gần 187,5 nghìn tỷ đồng.

Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến hết ngày 31/12/2015 là 7.562 tỷ đồng, bằng 3,68% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH là 6.001 tỷ đồng; nợ BHYT là 1.340 tỷ đồng; nợ BHTN là 311 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2016, tổng số nợ là 14.259,1 tỷ đồng, bằng 6,05% số phải thu.

Phân tích thực trạng nợ đóng BHXH tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn cho thấy: trong tổng số tiền nợ là 7.562 tỷ đồng (số nợ đến hết năm 2015) có 220.5 tỷ đồng tiền nợ của một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH thời gian qua được lý giải ở một số nguyên nhân. Cụ thể, nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế, người lao động chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quan lý đơn vị, doanh nghiệp; quản lý lao động, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia  BHXH; cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH, CHYT trong thanh, tra kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, không thường xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng chưa mạnh dạn bảo vệ quyền lợi về BHXH cho người lao động.

Đáng chú ý, quy định lãi chậm đóng BHXH được tính bằng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH trong năm nhưng lãi suất đầu tư quỹ BHXH thời gian qua thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng trong cùng kỳ. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp đã cố tình chậm đóng, nợ đóng để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác. Đội ngũ cán bộ thanh tra ngành LĐ-TB&XH còn quá mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH rất hạn chế, mới được chú ý trong một số thành phố lớn và hoạt độg này còn lồng ghép với các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc đăng ký ngừng hoạt động.

Kiến nghị không ban hành Nghị định hướng dẫn khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH năm 2014

Bộ LĐ- TB&XH cho biết, các quy định hiện hành đã có quy định cho phép các doanh nghiệp đang còn hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị, doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp này. Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 3 phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động để lấy ý kiến. Phương án một, là cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với người lao động đến thời điểm người lao động nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH, hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác. Ngân sách Nhà nước bảo đảm khoản tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp giải thể, phá sản mà sau khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp không đủ trả tiền nợ đóng BHXH.

Phương án hai, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với người lao động đến thời điểm người lao động nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH, hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác. Sau khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp giải thể, phá sản mà không đủ trả tiền nợ đóng BHXH, thì quỹ BHXH chịu khoản tiền nợ BHXH không thu hồi được.

Phương án ba, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với người lao động đến thời điểm đóng đủ BHXH; sau này nếu thu hồi được khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp thì sẽ xác nhận bổ sung cho người lao động. Sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH cũng thấy rằng, khoản 7, Điều 10 của Luật BHXH năm 2014 quy định trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động xã hội. Luật BHXH không giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 7, Điều 10; Luật chỉ giao Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. Như vậy, Chính phủ không bàn quy định chung, tùy vào các trường hợp cụ thể mà Chính phủ sẽ quyết định biện pháp xử lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động nếu thấy cần thiết như đối với trường hợp của Vinashin, Vinalines... đã xử lý trong thời gian qua. Ngoài ra, việc ban hành Nghị định chung trong trường hợp này sẽ vô hình chung kích thích, khuyến nghị các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH hơn.

Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ không ban hành Nghị định hướng dẫn khoản 7, Điều 10 của Luật BHXH năm 2014. Trong trường hợp cần phải quyết định biện pháp xử lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động thì Chính phủ sẽ thông qua và giao thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xử lý cá biệt./.

 

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN