Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lương hưu - “điểm tựa” an sinh khi về già

Thứ Sáu, 08/07/2022 11:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vì nhiều lý do rất nhiều người đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội ( BHXH) một lần hoặc không tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ. Đây là thực trạng đáng lo ngại không chỉ cho cá nhân khi về già mà còn là nỗi lo gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước khi có quá nhiều người dân nằm ngoài lưới an sinh xã hội.

Cuộc sống an nhàn khi về hưu của vợ chồng ông Hà Xuân Hạnh, tổ 01 phường Chiềng An

Nỗi lo không lương hưu

Là địa phương vùng núi Tây Bắc với nhiều huyện vùng biên kinh tế còn bấp bênh, giao thông đi lại khó khăn chính vì vậy, trước ảnh hưởng dịch Covid-19 cuộc sống người dân tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng trầm trọng. Mất việc làm, không có thu nhập, tạm thời để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày nhiều người dân đã lựa chọn xin rút BHXH một lần. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại, tạo ra những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Không lương hưu cũng đồng nghĩa không có chế độ Bảo hiểm y tế ( BHYT), dù hiện nay Nhà nước, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ khi mua BHYT hộ gia đình nhưng với nhiều cao tuổi không lương hưu, thu nhập bấp bênh việc sở hữu tấm thẻ BHYT hộ gia đình không hề dễ. Hệ lụy đã rõ nhưng thời gian gần đây xu hướng rút BHXH 01 lần ngày càng gia tăng, đáng chú ý là độ tuổi rút ngày càng trẻ hóa.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Vợ chồng ông Hà Xuân Hạnh, tổ 01, phường Chiềng An đang chia sẻ về cuộc sống khi về hưu 

Đứng trước thực tế trên hiện nay, BHXH tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân để khi tham gia đủ thời gian, sau này ổn định cuộc sống khi về già.

Ông Hà Xuân Hạnh, tổ 01, phường Chiềng An, thành phố Sơn La đã được nghỉ hưu gần 7 năm nay, do có lương hưu ổn định nên cuộc sống về già của vợ chồng ông Hạnh không phải lo lắng gì. Hàng ngày ông bà có thời gian vui chơi, luyện tập thể dục thể thao và cùng chăm sóc lẫn nhau lúc tuổi già.

Chia sẻ về niềm vui khi về già có lương hưu, ông Hạnh cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu không có lương hưu cuộc sống của hai vợ chồng không biết trông cậy vào đâu. “Chúng tôi có lương hưu mọi thứ đều không bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, giờ nhìn con cháu đi làm tự do không đóng BHXH chúng tôi đều rất lo và thường xuyên khuyên bảo con, cháu mỗi ngày tiết kiệm chút ít để tham gia BHXH tự nguyện. Cơ chế cũng như thủ tục giờ đã khá thoáng, ai có nhiều thì tham gia mức nhiều có ít tham gia mức ít. Điều cốt yếu khi về già vẫn phải có được cuốn sổ hưu”, ông Hạnh chia sẻ.

Ông Lù Văn Thuận - nhân viên đại lý thu phường Chiềng An đang tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho bà Đào Thị Thêm.  

Còn bà Đào Thị Thêm, phường Chiềng An đã từng có 10 năm tham gia công tác trong ngành giáo dục, nhưng do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà Thêm đã nghỉ việc và ở nhà buôn bán tự do. Năm nay đã 60 tuổi, bà Thêm cũng mong muốn mình được an nhàn, sum vầy bên con cháu. Nhưng vì hoàn cảnh, hàng ngày bà Thêm vẫn tần tảo dậy từ 4 giờ sáng để cùng các con làm đậu phụ bán tại chợ Chiềng An. Cuộc sống mưu sinh gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định.

Bà Thêm chia sẻ: Chúng tôi đi chợ có ngày bán được có ngày không, thu nhập không ổn định, sau khi nghe tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện thấy rất hay, rất ý nghĩa, mỗi ngày mình chỉ cần tiết kiệm một khoản tiền nho nhỏ để tham gia sau này được đảm bảo cuộc sống khi về già, và cũng bớt gánh nặng cho con cái.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay nhiều người lao động trong khu vực nông thôn, lao động tự do trên địa bàn thành phố Sơn La đã và đang có ý thức “Tích lũy lúc trẻ để sống khỏe lúc già” bằng việc tham gia BHXH tự nguyện. Thành phố Sơn La hiện có trên 3.000 người dân tham gia BHXH tự nguyện, đạt 80% chỉ tiêu được giao.

Để ngày càng nhiều người được tiếp cận và thụ hưởng chính sách, trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền như:  Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng vùng, từng nhóm người tham gia (nhất là nhóm đối tượng nông dân, thành viên HTX), tuyên truyền qua hội nghị, nhóm nhỏ, qua các cơ quan truyền thông, báo chí, loa truyền thanh tại các xã, phường, tổ, bản, tiểu khu; trên môi trường mạng xã hội Zalo, Face book...để người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, vận động duy trì tham gia và phát triển người tham gia một cách bền vững, đảm bảo an sinh lâu dài./.

Thu Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN