Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Luôn đồng hành, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng

Chủ Nhật, 10/02/2019 11:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đồng chí Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nhấn mạnh: Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch năm 2019 đối với các chương trình tín dụng; cam kết luôn đồng hành và thực hiện một cách tốt nhất các nhiệm vụ trong triển khai chính sách tín dụng.

Đồng chi Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc NHCSXH (Ảnh: VBSP)

Trao đổi với phóng viên nhân dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019, đồng chí Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc NHCSXH nhấn mạnh, trong 16 năm qua, NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao; tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tác động đến ý thức của người vay “có vay có trả của người dân”; đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp góp phần từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; giúp người dân cải thiện cuộc sống, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí đánh giá tổng quan kết quả của hoạt động NHCSXH trong năm 2018 vừa qua?

Phó tổng giám đốc Trần Lan Phương: Năm 2018, NHCSXH chủ động làm việc, báo cáo với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn cấp các chương trình tín dụng từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ tăng 3.197 tỷ đồng, vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tăng 6.533 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 2.764 tỷ đồng.

Về tăng trưởng tín dụng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2018 đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng (+8,5%), hoàn thành 100% kế hoạch.

Tổng doanh số cho vay năm 2018 đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017, với hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách được ưu tiên tập trung vào một số chương trình tín dụng, như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... và vốn tín dụng chính sách được ưu tiên cho các chi nhánh thuộc tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo,vùng dân tộc thiểu số,... Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 245 nghìn lao động; giúp hơn 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

Nhiều năm qua, NHCSXH đang chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả hoạt động của một mô hình ngân hàng đặc thù (Ảnh: VBSP)

Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để phấn đấu đạt mục tiêu này, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% các xã, phường trên toàn quốc, với doanh số cho vay hộ nghèo trong năm đạt 9.566 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ doanh số cho vay đạt 6.121 tỷ đồng, với gần 185 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các huyện nghèo đạt 20.309 tỷ đồng, với gần 595 nghìn khách hàng còn dư nợ. Thời điểm cuối 2017 dư nợ bình quân một huyện nghèo trên 227 tỷ đồng; hiện nay, dư nợ bình quân đạt trên 239 tỷ đồng/huyện.

Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng doanh số cho vay tại các xã nông thôn mới năm 2018 trên toàn quốc đạt 37.963 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH; tổng dư nợ đến 31/12/2018 tại các xã nông thôn mới đạt 118.695 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 63,2%/tổng dư nợ, tăng 9.880 tỷ đồng so với đầu năm 2018, với gần 5,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân/xã đạt 17,8 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng (+9,2%) so với đầu năm 2018. Năm 2018, tại các xã xây dựng nông thôn mới có gần 1,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, trong đó hơn 3,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 29 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 600 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 18 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo;... Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã (43,02%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 769 xã (8,62%) so với cuối năm 2017.

Cùng năm 2018, NHCSXH đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn cấp các chương trình tín dụng từ ngân sách nhà nước.

Đáng vui mừng hơn cả là trong năm 2018, hệ thống NHCSXH chúng tôi đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ được Thủ tướng Chính phủ giao. Không những thế, chúng tôi còn thực hiện giải ngân cao đối với chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (gọi tắt là chương trình nhà ở xã hội).

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về chương trình nhà ở xã hội?

Phó tổng giám đốc Trần Lan Phương: Năm 2018, NHCSXH được ngân sách Nhà nước cấp 500 tỷ đồng để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Như vậy, tính cả 50% nguồn vốn NHCSXH huy động được ngân sách cấp bù để cho vay theo quy định, thì năm 2018, nguồn vốn để cho vay đối với chương trình nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi được ngân sách Nhà nước cấp vốn, NHCSXH đã chủ động huy động đầy đủ 50% nguồn vốn được giao huy động, đồng thời phân giao ngay chỉ tiêu kế hoạch cho chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Đến 31/12/2018, đã thực hiện cho vay 905 tỷ đồng.

Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần đảm bảo cho chất lượng tín dụng chính sách của chúng tôi tiếp tục được duy trì, giữ vững. Tính đến 31/12/2018, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.467 tỷ đồng, chiếm 0,78%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 736 tỷ đồng, chiếm 0,39%/tổng dư nợ.

PV: Thưa đồng chí, được biết, năm 2019 đánh dấu chặng đường 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách. Xin đồng chi cho biết, kết quả thực hiện Chỉ thị thời gian qua?

Phó tổng giám đốc Trần Lan Phương: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời, để đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Ban điều hành NHCSXH đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đáng chú ý là, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị đến nay đạt 8.000 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến hết 31/12/2018 đạt 11.809 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, tăng trưởng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.764 tỷ đồng (tăng cao nhất trong 16 năm qua).

PV: Đồng  chi có thể thông tin về  việc xây dựng kế hoạch hoạt động 2019 nhằm phát huy hiệu quả tín dụng chính sách, xứng đáng là “Ngân hàng tin cậy của người nghèo, vì người nghèo và cho người nghèo”?

Phó tổng giám đốc Trần Lan Phương: Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019; căn cứ Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi năm 2019 của các địa phương. NHCSXH đã xây dựng kế hoạch năm 2019 đối với các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu tăng dư nợ tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao.

Chúng tôi cũng cam kết luôn đồng hành và thực hiện một cách tốt nhất các nhiệm vụ của mình trong triển khai chính sách tín dụng, góp phần hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN