Lục Ngạn: Cần tạo đột phá để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
(ĐCSVN) - Là một vùng đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đã tạo điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú. Tuy nhiên, để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, Lục Ngạn vẫn cần được quan tâm đầu tư cả về cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Nhiều tiềm năng...
Ông La Văn Nam, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đã tạo điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây thơm ngon nức tiếng gần xa. Tổng diện tích cây ăn quả của huyện hiện nay là trên 28.000 ha, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh….
Du khách trải nghiệm vườn vải tại Lục Ngạn. (Ảnh: HL) |
Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm; từ tháng 01 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối... Những mùa thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái trái tại vườn. Ngoài ra, Nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hoá; nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn… đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, dân ca Cao Lan xã Đèo Gia, hát Then của dân tộc Tày Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả.
Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy ẩn mình trong các ngôi làng; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ...
Ngoài ra, Lục Ngạn có 03 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu mem lá xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Không những thế, ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiếng.
“Những lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút khách tham quan, trải nghiệm quanh năm, trải rộng tại các địa phương trong toàn huyện. Khu vực vùng núi cao tập trung tại các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, Phong Minh, Sa Lý; khu vực vùng thấp du lịch sinh thái cộng đồng vùng cây ăn quả. Đồng thời kết hợp tham quan các di tích, trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn” – Ông La Văn Nam khẳng định.
Lục Ngạn là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể. (Ảnh: HL) |
Theo ông La Văn Nam, trong 2 năm qua, du lịch của Lục Ngạn, Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung đã bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19. Do đó, để khôi phục, phát triển du lịch, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm, có nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch. Chính vì vậy, du lịch trên địa bàn huyện Lục Ngạn có những phát triển vượt bậc, tạo dấu ấn mạnh mẽ; nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối tour đưa khách về Lục Ngạn; nhiều hợp tác xã du lịch của huyện đã trực tiếp tổ chức đưa đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan trọn gói tại huyện. Nhiều du khách đến Lục Ngạn rất hào hứng, vui vẻ, mong muốn được trở lại. Đó là cơ sở, là động lực, là sự khích lệ để Lục Ngạn tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trên địa bàn.
… nhưng không ít thách thức
Góp ý kiến để thu hút khách du lịch đến với Lục Ngạn, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng cho biết, Lục Ngạn được thiên nhiên ban cho hồ Cấm Sơn với vị trí đẹp, có đồ ăn ngon với những sản vật đặc trưng của địa phương, nhưng để thu hút khách du lịch thì Lục Ngạn cần phải cải thiện cơ sở vật chất, cách thức tổ chức đón khách.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thu, cơ sở vật chất của Lục Ngạn còn quá nghèo nàn khi ít khách sạn mà chủ yếu là những nhà nghỉ. Còn một nơi đẹp như hồ Cấm Sơn nhưng khi khách đến không có chỗ nghỉ ngơi, chỉ thưởng thức 1 bữa ăn trên đảo rồi trở về. Như vậy, rất khó để có thể đón được nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Bắc Ninh cho rằng, với tiềm năng thiên nhiên có sẵn, Lục Ngạn nên kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng với du lịch tâm linh. Tuy nhiên, để khai thác được thì cần nhiều yếu tố, nhất là giao thông. Lục Ngạn cần đầu tư các tuyến đường quy củ, có bãi để xe. Cùng với đó, nên có cơ sở lưu trú, làm homestay và một số trò chơi giải trí để phục vụ du khách. Ông Nguyễn Đức Thuận cũng mong các doanh nghiệp lữ hành, nhất là các doanh nghiệp tại địa phương quan tâm và phối hợp với địa phương để tạo ra tour kết nối các điểm đến Bắc Ninh – Bắc Giang – Hà Nội. “Chúng ta đưa khách đi khắp các vùng, mà lại bỏ quên những điểm đến ở chính địa phương mình” - Ông Nguyễn Đức Thuận nói.
Du khách khám phá vẻ đẹp của hồ Cấm Sơn. (Ảnh: HL) |
Là một doanh nghiệp lữ hành chuyên về khách “inbound” (đưa khách nước ngoài đến Việt Nam), ông Nguyễn Tuấn Anh, Công du lịch Handetour chia sẻ: Để thu hút khách, Lục Ngạn nên làm mô hình du lịch sinh thái theo hướng hoàn toàn mới. Thiết kế homestay thân thiện với môi trường, mộc mạc, nhưng bền. Cơ sở lưu trú cũng cần tạo điểm nhấn gắn với sinh thái, cộng đồng, để du khách đến Lục Ngạn là thấy được, đó là cơ sở lưu trú tại đây chứ không phải chỗ khác.
Trên đường di chuyển tham quan hồ Cấm Sơn, nên tạo chỗ để du khách dừng chân tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tâm lý khách Việt đã thoáng hơn. Họ thích đi những điểm đến cao cấp, thích trải nghiệm những nơi xa xôi, yên tĩnh. Chính bởi vậy, nếu tạo được điểm nhấn tại các điểm đến thì Lục Ngạn sẽ rất thu hút du khách.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty du lịch AZA, Lục Ngạn có thể thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam, tương lai sẽ vươn tầm quốc tế. Bắc Giang gần với Trung Quốc, đây là cơ hội để Lục Ngạn thu hút lượng lớn khách ở thị trường này. Muốn như vậy, Lục Ngạn cần kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng resort, homestay đón khách quốc tế. Đồng thời, cho phép hoạt động thể thao dưới nước, chèo thuyền kaya, xây bể bơi nổi, chèo thuyền sup... “Nếu làm được điều này, chắc chắn sẽ thêm nhiều hoạt động thú vị và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, cần phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp địa phương để phối hợp với bà con thống nhất quy trình đón khách. Khách đến vườn vải, được trải nghiệm nhưng phải có “luật”, chứ xuống xe, khách cũng không biết chỗ nào được hái chỗ nào không, mà cứ quả nào to, đẹp thì hái.
Cùng với hạn chế về hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực cũng là một vấn đề khiến Lục Ngạn khó thu hút khách du lịch. Ông Lê Văn Tiên, đại diện Làng Văn hóa Đông Bắc cho biết, đội ngũ làm du lịch của Lục Ngạn vừa thiếu vừa yếu.
Theo ông Tiên, từ khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Làng Văn hóa Đông Bắc đã đón trên 20.000 luợt khách đến tham quan, chụp ảnh, trong đó có 60% khách trong tỉnh, 40 khách ngoài tỉnh. Lượng khách du lịch liên tục tăng, mà đội ngũ nhân viên thì không đủ. “Chúng tôi nhiều lần tuyển nhưng không được bao nhiêu. Chính bởi vậy, tôi đề nghị huyện Lục Ngạn sẽ sớm có lớp tập huấn đào tạo cho đội ngũ làm du lịch. Các doanh nghiệp cũng sẽ góp sức, đồng hành để cùng Huyện phát triển nguồn nhân lực” – Ông Lê Văn Tiên chia sẻ./.