Luật Giao dịch điện tử là công cụ để Việt Nam hội nhập thế giới trên không gian mạng
(ĐCSVN) – Luật Giao dịch điện tử không chỉ là hành lang pháp lý cho mọi hoạt động giao dịch điện tử ở Việt Nam mà còn là công cụ để Việt Nam có thể kết nối và hội nhập với thế giới ở trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: QH |
Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 19/9.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số, nếu làm không tốt, đặc biệt là nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc là không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam. Vậy nên cần cân nhắc hết sức thấu đáo trong quá trình xây dựng luật.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua vào năm 2005 là thời điểm Việt Nam chuẩn bị ký kết, gia nhập các Tổ chức Thương mại quốc tế WTO và bắt đầu bước vào hội nhập sâu rộng. Luật Giao dịch điện tử không chỉ là hành lang pháp lý cho mọi hoạt động giao dịch điện tử ở Việt Nam mà còn là công cụ để Việt Nam có thể kết nối và hội nhập với thế giới ở trên không gian mạng. Vừa qua với thực tiễn công nghệ thay đổi, hành lang pháp lý cũng cần phải được cập nhật để phù hợp với xu thế của thế giới.
Theo Bộ trưởng, qua 17 năm thực hiện thì Luật Giao dịch điện tử đã được nhiều bộ, ngành áp dụng và một số bộ, ngành, thậm chí đã ban hành các văn bản dưới luật, kể cả các nghị định không đầu để thực thi các giao dịch điện tử và nhiều cái đã đi vào cuộc sống, đã tốt, đã thành công. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ thực tiễn giao dịch điện tử ở Việt Nam 17 năm qua, lựa chọn các nội dung đã có thực tiễn tốt để luật hóa chính thức trong luật này”, Bộ trưởng cho hay.
Cho rằng về nguyên tắc ngành nào thì quản lý lĩnh vực đó của mình trên môi trường số là nguyên tắc không chỉ của luật này mà nguyên tắc phổ quát, Bộ trưởng nêu rõ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có một bộ, ngành nào làm việc này, sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số. “Ví dụ như các hoạt động về báo cáo giám sát các giao dịch điện tử thì cũng do các bộ, ngành quy định. Luật chỉ nhấn mạnh, nếu báo cáo thì báo cáo online”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, Luật Giao dịch điện tử mới là điều kiện cần để các bộ, ngành quy định chi tiết về các giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Việt Nam đang chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin làm từng phần, chuyển đổi số thì toàn dân và toàn diện. Luật Giao dịch điện tử đặt mục tiêu là chuyển đổi sang môi trường số một cách toàn diện và toàn dân, tạo cơ sở cho sự chuyển đổi toàn dân và toàn diện.
Cũng theo Bộ trưởng, Luật Giao dịch điện tử là luật khó, có nhiều thuật ngữ mới có tính trừu tượng cao, các thuật ngữ được dịch từ luật quốc tế cũng gây khó hiểu cho người đọc. Để người dân áp dụng được thì ngôn ngữ trong luật phải rất trong sáng và dễ hiểu, vì vậy Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu, thực sự là đã có nhiều cố gắng.
“Những ý kiến phát biểu tại hội nghị ngày hôm nay đã được cơ quan soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt Chính phủ lắng nghe, ghi chú cẩn thận và sẽ báo cáo Chính phủ các nội dung tiếp thu để hoàn thiện luật trình Quốc hội. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn vẫn tiếp tục được lắng nghe các ý kiến của các quý vị đại biểu Quốc hội để Bộ luật này có thể đi vào thực tiễn và giúp Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và trở thành một quốc gia số hàng đầu”, Bộ trưởng cho biết./.