Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Luật Dữ liệu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thứ Sáu, 15/11/2024 18:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự án Luật Dữ liệu là dự luật rất quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Sau khi ban hành sẽ nâng tầm xếp hạng chuyển đổi số quốc gia và là khung khổ pháp lý giúp thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số ở các ngành, các cấp, các địa phương.

Chiều 15/11 tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp .

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau và hiện nay có một số cơ quan đại diện, một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài gửi ý kiến kiến nghị. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Liên quan đến xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Trung tâm dữ liệu quốc gia được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong đó có cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để cung cấp hạ tầng cho các Bộ, ngành, địa phương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy. Nguồn nhân lực phục vụ vận hành, quản trị Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản là đội ngũ những người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu hiện có của Bộ Công an mà không làm phát sinh thêm biên chế. Vì vậy Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ quy định xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự án Luật Dữ liệu là dự luật rất quan trọng, được ban hành càng sớm càng tốt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý ở tầm cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Sau khi ban hành sẽ nâng tầm xếp hạng chuyển đổi số quốc gia và là khung khổ pháp lý giúp thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số ở các ngành, các cấp, các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dữ liệu số và những dữ liệu chưa số hóa rồi sẽ số hóa là tài nguyên vô cùng quan trọng, đồng thời sẽ là một loại tài sản và là một ngành kinh tế mang lại lợi ích lớn. Với tính chất như vậy, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp có khả năng lưu trữ số xây dựng cơ sở dữ liệu số của cả thế giới và của Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào trên cơ sở Luật này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần quy định rõ hơn trong các điều, khoản về việc nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả trong nước hay nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ số, xây dựng trung tâm dữ liệu, các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực số.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị rà soát về khả năng huy động nguồn Quỹ phát triển dữ liệu và nội dung chi của Quỹ để tránh trùng lặp với hoạt động chi của các loại quỹ khác; bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; làm rõ mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Quỹ.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện; các quy định bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không đưa vào Luật.

Bên cạnh đó, những vấn đề mới thì chỉ quy định khuôn khổ, nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để thuận lợi trong tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu vừa quản lý, vừa khơi thông nguồn lực dữ liệu. Cùng đó, cần phải tập trung rà soát kỹ thuật lập pháp để rút càng gọn càng tốt, bao gồm cả những chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật./.

Minh Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN