Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lựa chọn sách giáo khoa phải tôn trọng tối đa ý kiến chuyên môn của cơ sở

Thứ Năm, 23/06/2022 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các Sở GD&ĐT lưu ý việc lựa chọn sách giáo khoa phải trên tinh thần tôn trọng tối đa ý kiến chuyên môn của cơ sở, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mua sách giáo khoa của học sinh vào đầu năm học.

Trong hai ngày (22-23/6), tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT.

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TT

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với dịch ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Toàn ngành đã tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Bằng việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp kịp thời trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, đến thời điểm này, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022, bảo đảm an toàn, chất lượng.

Đối với Giáo dục Mầm non, năng lực thích ứng của các cơ sở Giáo dục Mầm non được tăng cường khi phải trải qua thời gian dài ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được cải thiện đáng kể, kho tài liệu số được bổ sung phong phú. Bộ GD&ĐT đã công bố cẩm nang hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khi trẻ ở nhà, phát triển kho học liệu số với 271 bài giảng điện tử. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đối với Giáo dục phổ thông, các địa phương đã tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Các địa phương cũng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dạy môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023; Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình thực hiện.

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đồng tình với báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT và cho rằng, năm học 2021-2022, ngành giáo dục các địa phương đã nỗ lực để vượt khó, kiên trì với mục tiêu chất lượng, đảm bảo chất lượng dạy và học. Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2022 diễn ra ngay trước thềm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, do đó, tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT thể hiện quyết tâm sẽ cùng các sở, ban, ngành của địa phương và Bộ GD&ĐT chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công kỳ thi.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đại diện các Sở GD&ĐT cũng trao đổi nhiều nội dung liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; biên soạn và phát hành tải liệu giáo dục địa phương; phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên tại địa phương…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết liệt, tâm huyết của lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn và sự chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ đối với giáo dục ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo ra sự thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Nhấn mạnh tới nhiệm vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang ở giai đoạn quan trọng, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai chương trình thành công hay không là từ chính sự quyết liệt, nhận thức của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương. Do đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các Sở GD&ĐT nghiên cứu thật kỹ, nắm bắt thật chắc những vấn đề cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để triển khai ở địa phương. Cùng với đó, kịp thời giải đáp những vấn đề mà dư luận quan tâm, phát hiện những vấn đề bất cập để tháo gỡ một chủ động.

Đối với việc lựa chọn tổ hợp các môn học ở bậc THPT bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023, Bộ trưởng nêu yêu cầu phải đáp ứng tốt nhất có thể cho học sinh và ngày càng cải thiện tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu.

Lưu ý việc lựa chọn sách giáo khoa phải trên tinh thần tôn trọng tối đa ý kiến chuyên môn của cơ sở, Bộ trưởng đồng thời đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mua sách giáo khoa của học sinh vào đầu năm học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn ngành giáo dục các địa phương có kế hoạch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để thực hiện các chính sách giáo dục tại địa phương ngày càng tốt hơn. Đồng thời cho biết, trong năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hội nghị giáo dục vùng nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương.

Về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh: Vấn đề con người là quan trọng nhất. Do đó, nhân sự tham gia tổ chức thi phải nghiêm túc, công tâm. Bộ trưởng cũng lưu ý tới các khâu sao in, vận chuyển đề thi, công tác coi thi, chấm thi; trong quá trình tổ chức kỳ thi, các địa phương cần thường xuyên báo cáo về Bộ GD&ĐT các tình huống phát sinh để có giải pháp xử lý kịp thời./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN