Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Long An tận dụng thế mạnh phát triển du lịch

Thứ Tư, 23/10/2024 11:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Long An có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch, có vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Long An còn có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, vì vậy rất thuận lợi trong hội nhập du lịch với du lịch khu vực, thu hút khách du lịch quốc tế, trước hết là khách du lịch ASEAN trực tiếp đến với Long An.

Du lịch nghỉ dưỡng gắn với khu cảnh làng quê, sông nước thu hút du khách đến Long An thời gian qua. 

Bên cạnh đó, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, cho phát triển du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Long An còn khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển các công trình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, các khu vui chơi giải trí gắn với khung cảnh làng quê, sông nước thoáng đãng để thu hút lượng lớn khách du lịch từ khu vực đô thị đông đúc, ồn ào.       

Bên cạnh đó, Long An có nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Long An tương đối phong phú và đa dạng với lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên mà nổi trội là các giá trị cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sinh thái đất ngập nước mà tiêu biểu là khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở vùng trũng Đồng Tháp Mười với tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó Long An còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề có giá trị gắn với lịch sử phát triển của miền đất này. Đây là lợi thế quan trọng tạo nên tiền đề cho việc hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Bên cạnh đó, sự phân bố các điểm tài nguyên du lịch ở Long An khá tập trung trên một số địa bàn vì vậy thuận lợi cho việc xác định các không gian thuận lợi và địa bàn trọng điểm cho phát triển du lịch. Điều này sẽ góp phần hạn chế tính dàn trải trong đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp trong lĩnh vực du lịch, cũng như thuận lợi để phát triển những sản phẩm đặc thù trên các địa bàn khác nhau tạo nên tính hấp dẫn chung của du lịch Long An.

Là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, được xem là nguồn tài nguyên của ngành du lịch Long An. Hiện toàn tỉnh hiện có 126 di tích lịch sử  văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật văn thánh khảo cổ, trong đó có 21 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (gồm 12 di tích lịch sử, 5 di tích kiến trúc nghệ thuật và 4 di tích khảo cổ).

Phát huy thế mạnh đó, thời gian qua, Long An tập trung phát triển du lịch sinh thái trên nền cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông, gắn với việc khai thác cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Riêng với du lịch lịch sử, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có 123 đoàn với hơn 21.000 lượt khách tham quan đến với Bảo tàng - thư viện, các di tích và công trình văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, trong đó, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh. Tính chung trên toàn tỉnh, có trên 67.000 học sinh, đoàn viên, thanh niên đến học ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hoá.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung phát triển loại hình du lịch thể thao - du lịch golf. Tỉnh cũng có một số điểm du lịch nổi bật có nhiều khả năng phát triển: Vườn thú Mỹ Quỳnh với mô hình nuôi thú bán hoang dã, Chavi Garden với mô hình du lịch sinh thái giáo dục trải nghiệm,...

 Du lịch trải nghiệm, với một số điểm du lịch nổi bật đã nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh. 

Các dự án du lịch trong tỉnh được nhiều nhà đầu tư quan tâm khai thác, từng bước thu hút du khách. Ngành Du lịch tỉnh chủ động trong việc kết nối, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong giai đoạn 2021 - 2023, lượt khách du lịch trong tỉnh tăng trưởng bình quân đạt 69%/năm. Doanh thu tăng trưởng bình quân đạt 76%/năm.

Bên cạnh những kết quả đó, du lịch Long An còn không ít khó khăn như cơ chế, chính sách phát triển du lịch chưa thực sự thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư lớn; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với các khu/điểm du lịch trọng yếu; nguồn vốn đầu tư cho du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...

Trong nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, Long An cần thay đổi chiến lược quảng bá du lịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các ngành, địa phương cần xác định rõ du lịch chính là ngành kinh tế mũi nhọn để cùng nhau tập trung phát triển.../..

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN