Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Long An sẵn sàng cho năm học mới

Thứ Ba, 27/08/2024 11:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất để sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025.

Nỗ lực trong nâng cao chất lượng dạy và học

Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 26 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi Chọn học sinh giỏi quốc gia THPT với 2 giải nhì, 7 giải ba, 17 giải khuyến khích; 2 học sinh đoạt giải nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 1 học sinh đoạt giải khuyến khích sân chơi Trạng Nguyên Tiếng Việt vòng thi Đình (cấp quốc gia); kết quả tốt nghiệp THPT đạt 99,8%;…

Quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục được sắp xếp, củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được tăng cường.

 Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An đạt được những kết quả đáng khích lệ. (Ảnh: Hiểu Khuê)

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 591 cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông (trong đó, 558 cơ sở giáo dục công lập, 33 cơ sở giáo dục ngoài công lập). Tính đến cuối quí II/2024, toàn tỉnh có 73,14% trường học từ mầm non đến phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Việc bố trí, phân bổ ngân sách Nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục trong năm học qua của tỉnh Long An được quan tâm thực hiện. Tỉnh hoàn thành việc đầu tư xây dựng, thành lập mới 01 đơn vị Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của nhà đầu tư do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động. Với tổng kinh phí tài trợ là 132 tỷ đồng, nguồn vốn tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khoảng 50 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương cấp huyện thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và san lấp khoảng 94,145 tỷ đồng. Phối hợp UBND địa phương tiếp nhận vốn tài trợ và tổ chức Lễ khởi công xây dựng trường THPT Võ Văn Tần, huyện Đức Hòa (vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng); trường THCS và THPT Nguyễn Thị Một, huyện Cần Giuộc (vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng); trường THCS Nguyễn Văn Bộ, huyện Tân Trụ (vốn đầu tư khoảng 33 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng phối hợp tham mưu cho phép thành lập Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Emasi Plus - Waterpoint Campus và Trường Mầm non Thiên Thần Bé Thơ tại huyện Bến Lức; Trường Mầm non Sen Hồng tại huyện Châu Thành theo loại hình tư thục. Tiếp tục thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục Mầm non giai đoạn 2021-2025; chương trình xây dựng Nhà công vụ giáo viên; chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trong tỉnh.

Các dự án do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, có đầy đủ phương tiện dạy học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, đồng thời giúp các trường đạt chuẩn cơ sở vật chất, đủ điều kiện công nhận chuẩn quốc gia, phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Toàn tỉnh đã xây dựng 21 công trình nhà ở công vụ với 89 phòng, với tổng mức đầu tư là 29,337 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở công vụ cho 198 giáo viên tại 08 huyện, thị xã trong tỉnh. Các  công trình đầu tư xây dựng hoàn thành đáp ứng được nhu cầu giải quyết vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên.

Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh Long An cũng phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện đóng góp cho sự nghiệp giáp dục thông qua các chương trình như: Trao học bổng cho học sinh nghèo, chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó hiếu học trong năm học mới 2023 - 2024. Toàn tỉnh đã cấp phát 14.003 suất học bổng và 61.763 phần quà với tổng số tiền hơn 29,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã vận động quỹ được 77,702 tỷ đồng đã cấp phát 15.018 suất học bổng và 82.999 phần quà trị giá hơn 45,2 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng sửa chữa trường học là hơn 22,4 tỷ đồng.

Sẵn sàng mọi điều kiện để bước vào năm học mới 2024-2025

Những năm qua, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Long An không ngừng được đổi mới và nâng cao; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, trí tuệ cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa Long An từng bước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.

Trường THPT Võ Văn Tần tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa được xây dựng với quy mô gồm 3 tầng nổi phục vụ 2.000 học sinh. Trong đó, có 28 phòng học lý thuyết, 9 phòng học bộ môn đã hoàn thiện và sẵn sàng cho năm học mới. (Ảnh: Mai Nhã)

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo;…

Sẵn sàng cho năm học 2024-2025, tỉnh Long An cũng đã tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, sách giáo khoa… Tỉnh cũng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Song song với đó, Long An đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, phấn đấu đạt tỷ lệ theo kế hoạch của tỉnh đề ra. Tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học.

Những ngày này, khi ngày tựu trường (5/9) đang đến gần, các địa phương đều khẩn trương hoàn tất cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng bước vào năm học 2024-2025.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng rà soát, lập danh sách các trường, lớp cần được đầu tư mới và sửa chữa. Qua rà soát, huyện được tỉnh đầu tư xây mới 34 phòng học, phòng chức năng với nguồn vốn gần 33 tỉ đồng.

Ngoài ra, huyện còn đầu tư gần 13 tỉ đồng sửa chữa các điểm trường xuống cấp như phòng học, sân trường, hàng rào, nhà vệ sinh, hệ thống điện, cây xanh,...

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Tâm, Phòng chỉ đạo các trường rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, gỡ bỏ các khẩu hiệu cũ hoặc thông báo, hình ảnh không còn phù hợp; thay thế, sửa chữa bàn, ghế bị hư hỏng.

Năm học 2024-2025, toàn huyện Vĩnh Hưng có 22 trường (mầm non 10 trường, tiểu học 3 trường, THCS 2 trường, tiểu học & THCS 7 trường), dự kiến có 334 lớp, với tổng số 9.354 học sinh. Trong đó, cấp mầm non có 85 nhóm, lớp với hơn 2.200 học sinh; cấp tiểu học có 158 lớp với gần 4.000 học sinh; cấp THCS có 91 lớp với hơn 3.200 học sinh.

Cùng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, huyện cũng tích cực sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường; tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng bước vào năm học 2024-2025.

Hiện toàn huyện Vĩnh Hưng có 705 cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ bản ổn định số lượng giáo viên bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy, tuy nhiên theo định mức quy định thì huyện còn thiếu 18 giáo viên (mầm non 5 giáo viên, tiểu học 5 giáo viên, THCS 8 giáo viên)./.

 

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN