Long An: Hết năm 2016 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới
(ĐCSVN) - Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An, từ nay đến hết năm 2016, địa phương này phấn đấu sẽ có thêm 7 xã về đích xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 57.
Đưa thanh long vào trồng thay thế cây lúa ở nhiều địa phương của Long An
đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xây dựng nông thôn mới (Ảnh: K.V)
Ông Tô Ngọc Xuân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An cho biết, hiện tỉnh này phân bổ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình là trên 214 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trực tiếp hỗ trợ trên 131 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 83 tỷ đồng. Từ số tiền của tỉnh phân bổ cho 166 xã xây dựng nông thôn mới, mỗi xã 500 triệu đồng. Nhờ đó, các địa phương triển khai đầu tư các lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế, giao thông, trường học, nhà văn hóa ấp, điện, thủy lợi,...riêng đối với 7 xã dự kiến về đích nông thôn mới vào cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm 37,7 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các xã có thêm vốn mồi thực hiện một số công trình.
Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế trên nhưng thời gian qua tỉnh Long An đã quyết tâm đạt và vượt kế hoạch đề ra, trở thành 1 trong 13 tỉnh, thành phố trên cả nước và là 1 trong 2 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015.
Hiện toàn tỉnh Long An đã có 50/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ trên 30%, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 15,3 tiêu chí, trong đó một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch, chiếm 100%; điện chiếm tỷ lệ trên 99%; tiếp theo là thông tin và truyền thông; an ninh trật tự; thủy lợi…Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X, Long An phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh này sẽ có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 53% tổng số xã toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang đề nghị các địa phương cần nhanh chóng đẩy mạnh các công trình để kịp tiến độ về đích. Rà soát, củng cố thêm những tiêu chí như giao thông; môi trường…, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo vẻ mỹ quan tại làng quê của xã nông thôn mới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An, để đạt kết quả trên, tỉnh Long An đã quyết liệt thực hiện công tác triển khai Chương trình trong cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung cho tuyên truyền, vận động và đây được xem là giải pháp hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Việc triển khai và tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên để xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động đã tạo nên động lực khơi dậy mọi tiềm năng sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân…
Thời gian qua, một trong những giải pháp chủ yếu để xây dựng nông thôn mới thành công trên địa bàn tỉnh Long An là “thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động”. Với phương châm trên, ngay từ khi triển khai thực hiện, tỉnh đã ban hành, điều chỉnh kịp thời quy định về mức hỗ trợ của vốn ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đảm bảo sự công khai, minh bạch cho người dân trong việc tham gia đóng góp, cũng như giám sát việc sử dụng các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn vốn do người dân đóng góp. Với những quy định cụ thể về mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước đã tạo ra cơ chế khá thuận lợi cho các cấp, các ngành trong việc huy động các nguồn lực xã hội thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được khoảng trên 15 nghìn tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Được biết, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Long An từ nay đến cuối năm 2020 là có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, và có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí đạt bình quân/xã đến cuối năm 2020 đạt từ 16,5 đến 17 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015, vào khoảng 49 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, Long An phấn đấu có thêm 30 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, nâng tổng số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% vào cuối năm 2020 là 130 xã, chiếm 78% tổng số xã. Tỉnh tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; có thêm 50 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông, nâng tổng số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông đến cuối năm 2020 là 136 xã, chiếm 82%....
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Long An xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020, đó là tập trung hoàn thành 3 loại công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm bê tông hóa đường giao thông trục ấp; nước sinh hoạt; trường mầm non, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và diện mạo khu vực nông thôn. Tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước, coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Long An cũng tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương. Chú trọng đào tạo nghề theo các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn. Đồng thời tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ cho nông dân. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác…/.