Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Long An: Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”

Thứ Hai, 03/10/2022 14:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 Thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", TP Tân An đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện phong trào từng bước phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng phát triển .(Ảnh: Tường Vy)

Giải pháp thiết thực

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, để nâng cao việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, Sở đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để quy hoạch diện tích đất dành cho trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa – khu thể thao ấp. Cụ thể như trung tâm văn hóa – thể thao và học tập cộng đồng xã tối thiểu 2.000m2 (không tính sân vận động), hội trường 200 chỗ ngồi trở lên; nhà Văn hóa ấp tối thiểu 500m2 và hội trường 100 chỗ ngồi trở lên.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 59 về việc sửa đổi bổ sung một số quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm văn hóa – thể thao và học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai sâu rộng xuống cơ sở nhằm đưa thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả. Đối với nhà văn hóa ấp, khu phố, Sở ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống thiết chế nhà văn hóa ấp - khu thể thao ấp thành lập ban chủ nhiệm đề ra quy chế hoạt động cụ thể.

Đến nay, toàn tỉnh Long An có 146/188 trung tâm văn hóa – thể thao và học tập cộng đồng được ngân sách tỉnh và huyện đầu tư xây dựng, có 992/996 ấp (khu phố) có nhà văn hóa. Hiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở gồm trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa - khu thể thao ấp được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng mới phần lớn đang phát huy hiệu quả; có 994/996 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa. Trong đó, hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới đều có 100% số ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa.

 Những con đường nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh Long An góp phần cải tạo cảnh quan môi trường theo hướng “văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp” . (Ảnh: Sở VHTT và DL tỉnh cung cấp)

Lan tỏa mạnh mẽ từ cơ sở

Thời gian qua, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", TP Tân An đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện phong trào từng bước phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng phát triển; việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành; kết cấu hạ tầng đang dần được đầu tư xây dựng mới và ngày càng hiện đại; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy,…

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư đã có tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện chủ trương “giảm nghèo”. Trong quá trình triển khai phong trào, các địa phương luôn quan tâm đến phát triển đời sống của nhân dân, hỗ trợ vốn vay từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ giải quyết việc làm, học sinh sinh viên; tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội LH Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả.

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa", Phong trào xây dựng “Ấp, khu phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được đẩy mạnh. Hiện TP có 100 gia đình đăng ký gia đình văn hóa. Toàn thành phố hiện có 82/82 ấp, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 14/14 xã, phường được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó: có 03 xã văn hóa nông thôn mới, 02 xã văn hóa, 09 phường văn minh đô thị...

Cùng với TP Tân An, thời gian qua, huyện Cần Đước (Long An) cũng luôn chú trọng công tác cải tạo cảnh quan môi trường theo hướng “văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp” để xứng tầm huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Công tác chỉnh trang đô thị luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước quan tâm thực hiện để tạo bộ mặt ngày càng xứng tầm huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh. Theo đó, sáng, xanh, sạch, đẹp được xem là tiêu chí hàng đầu.

Định kỳ hàng quí, 17/17 xã, thị trấn tổ chức ra quân xử lý các bãi rác tự phát trên các tuyến đường. Các hội, đoàn thể, chi, tổ hội xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả như thu gom rác thải, phân loại và xử lý rác hữu cơ (tại ấp 2, xã Long Định và ấp Bà Thoại, xã Tân Lân); Thu gom rác thải không phân hủy, chai nhựa (xã Long Định); Tuyến đường thanh niên tự quản; Khu dân cư phân loại rác tại nguồn; Tuyến đường xanh, sạch, đẹp.../.

Tường Vy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN