Lời giải nào cho bài toán đầu ra của ngành sư phạm?
(ĐCSVN) - Sau 4 năm đại học miệt mài đèn sách đầy vất vả, thử thách, tốt nghiệp ra trường, bước vào cuộc sống, nhiều cử nhân sư phạm lại vấp phải những khó khăn trong lập nghiệp. Và câu chuyện về hành trình xin việc, vào nghề của những thầy, cô giáo trẻ hiện nay thật đáng suy nghĩ.
Những năm gần đây, trong khi đa số học sinh cuối cấp THPT chọn và hướng nghiệp bằng bộ môn khoa học tự nhiên với các ngành khá “hot” như: Ngoại thương, An ninh, Bách khoa, Y, Dược…thì một bộ phận học sinh vẫn yêu thích và chọn thi vào các trường đại học sư phạm. Thật đáng mừng khi thấy rằng, dù ở thời điểm nào, vẫn có những sinh viên muốn được trở thành thầy cô giáo trong tương lai và mong được mang chữ về quê hương, về những vùng sâu vùng xa nhiều khó khăn.
Ở nước ta hiện nay, các trường đại học sư phạm đã và đang mở rộng quy mô đào tạo và phạm vi tuyển sinh, luôn rộng cửa cho sinh viên yêu nghề sư phạm và mong muốn trở thành thầy giáo, cô giáo trong tương lai. Sau 4 năm học tập và rèn luyện ở trường đại học sư phạm, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân, đây là lúc các sinh viên và gia đình lo xin việc. Mong muốn sau khi ra trường có được một chỗ làm ổn định là tâm lý chung của nhiều sinh viên khi tốt nghiệp các trường sư phạm. Thế nhưng, nếu việc học 4 năm ở giảng đường đại học của các sinh viên sư phạm đầy những khó khăn thì sau khi ra trường, chuyện xin việc của các thầy cô giáo trẻ lại là những nhọc nhằn khó nói thành lời.
Hiện nay, đã diễn ra sự mâu thuẫn không nhỏ giữa việc đào tạo và nhu cầu thực tế ở địa phương. Nếu như các trường đại học sư phạm ngày càng mở rộng quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo với sự đa ngành thì nhu cầu ở các địa phương ở những thời kỳ, giai đoạn khác nhau lại co lại chỉ tiêu biên chế trong ngành giáo dục. Chính vì vậy, khi cầm tấm bằng ra trường, việc được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước đối với các thầy, cô giáo trẻ là hết sức khó khăn.
Hằng năm, căn cứ vào số lượng đội ngũ giáo viên hiện có, sở giáo dục các tỉnh trình UBND tỉnh về nhu cầu giáo viên còn thiếu để ra quyết định tuyển dụng giáo viên. Nhưng không phải tỉnh nào, năm nào cũng có đợt biên chế mà phải đợi có khi đến vài năm mới có một đợt biên chế giáo viên. Mà khi ấy, cơ hội được tuyển dụng khá mong manh bởi tỷ lệ “chọi” quá cao. Để giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt, nhiều giáo viên mang hồ sơ đến các trường ngoài công lập xin dạy hợp đồng với đồng lương không ổn định, thậm chí lên xuống theo thời giá. Dạy hưởng lương theo tiết, muốn lương cao phải xin dạy nhiều giờ. Mà dạy nhiều có nghĩa là phải đầu tư sức lực nhiều.
Có giáo viên hăm hở mang hồ sơ lên các tỉnh vùng cao để “gõ cửa” các sở giáo dục xin được đăng ký tuyển dụng và trong hồ sơ không quên viết tay một lá đơn xin tình nguyện đi bất cứ đâu để dạy chữ cho học sinh vùng cao. Một số giáo viên được tuyển dụng song lại được điều đi dạy ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”, nơi đặc biệt khó khăn của địa phương. Song, những năm gần đây, một số tỉnh vùng cao cũng đã dư thừa giáo viên bởi lực lượng sinh viên đi đào tạo theo địa chỉ hay học sư phạm theo chế độ cử tuyển đến nay đã trở về địa phương chờ phân công công việc.
Không ít giáo viên trẻ ra trường không xin được việc làm đành từ bỏ ước mơ ngày nào để đi làm ngành khác, mong có thu nhập cho bản thân và gia đình, giải quyết các nhu cầu trước mắt. Có người phải đi học nghề khác ở trường trung cấp để mong có cơ hội xin việc. Bởi theo họ, nếu chờ đợi biên chế có lẽ sẽ rất lâu và không biết chờ đến bao giờ?.
Còn với các thầy, cô giáo trẻ chập chững bước vào nghề sau khi được cơ quan giáo dục tuyển dụng, đa số lại gặp phải không ít khó khăn trong cuộc sống. Nào nhà cửa, nào gia đình, nào công việc, mọi thứ đều phải giải quyết. Nhưng với đồng lương ít ỏi của giáo viên mới ra trường, trong những cơn bão giá theo những đợt tăng lương như hiện nay, thử hỏi, một giáo viên trẻ sẽ phải làm gì để cáng đáng mọi việc trong đời sống?
Có lẽ, với mức lương khởi điểm như hiện nay, một cô giáo hay thầy giáo trẻ có giỏi tính toán đến mấy cũng phải rất vất vả để xoay sở. Nhưng biết làm sao được khi mà giá cả ngày ngày leo thang, khi mà nhu cầu được biên chế vào cơ quan Nhà nước để có công việc ổn định là ước mong của giáo viên trẻ khi bước vào nghề. Họ đành cố gắng vượt qua, mong sau khi nâng bậc lương sẽ sớm ổn định cuộc sống.
Để giải quyết bài toán “đầu ra” của ngành sư phạm, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát thường xuyên quy mô đào tạo của các trường sư phạm trong cả nước, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương khảo sát, tổng hợp nhu cầu đội ngũ giáo viên các bậc học để có kế hoạch đào tạo sao cho “cung” phải cập với “cầu”. Điều đó sẽ tránh được tình trạng dư thừa quá mức cử nhân ngành sư phạm như hiện nay, tránh được đào tạo ồ ạt, lãng phí chất xám và kinh phí đào tạo. Đồng thời, chỉ đạo các trường sư phạm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp cho các địa phương những giáo viên có chất lượng, tay nghề vững vàng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Khâu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục cũng cần được các Bộ, Ngành như Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát nơi thừa, nơi thiếu giáo viên để thực hiện luân chuyển sao cho hợp lí, từ đó có kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên phù hợp. Đồng thời Bộ LĐTB&XH cũng cần quan tâm hơn nữa đến lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với nhà giáo để khi được tuyển dụng vào ngành giáo dục, mỗi nhà giáo có thể yên tâm công tác và sống bằng nghề của mình.
Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ tổng thể, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, việc được tuyển dụng vào các cơ quan giáo dục, có việc làm ổn định là đáp án chính cho bài toán đầu ra nhân lực ngành sư phạm hiện nay. Tuy nhiên, muốn thực hiện được lời giải đó còn cả một lộ trình, khi mà khâu đồng bộ trong công tác đào tạo nhân lực đầu vào – đầu ra của ngành giáo dục hiện nay của chúng ta mặc dù đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều song vẫn tồn tại không ít những bất cập.
Và ngày nào những vướng mắc, bất cập ấy chưa được tháo gỡ, ngày đó còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như một tất yếu!