Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lời cảm ơn từ một cơn bão!

Thứ Tư, 10/08/2016 09:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nếu không có cơn bão số 1 và ghi lại những hình ảnh của các phóng viên báo chí, người dân cả nước sẽ chắc khó tưởng tượng được hình ảnh những rễ cây còn bọc nguyên nylon hay vỏ nhựa được trồng tại thủ đô. Ở khía cạnh nào đó, người dân Hà Nội sẽ phải cảm ơn cơn bão Mirinae...


Cây xanh bị bật gốc lộ ra vỏ bọc bầu bằng lưới nhựa - Ảnh: H.Quỳnh 

 Thực ra, đây không phải lần đầu tiên những hình ảnh rễ cây bọc nylon nằm ngổn ngang trên đường phố Hà Nội xuất hiện. Tuy nhiên, bất chấp những phản ánh mạnh mẽ từ báo giới cũng như những lần “rút kinh nghiệm nghiêm túc” từ các cơ quan chức năng, mọi thứ vẫn chưa tiến triển là mấy. Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn thừa nhận không ít tồn tại trong việc trồng cây xanh trên địa bàn thủ đô.

Ở tầm vĩ mô, việc có quá nhiều nhà đầu tư tham gia vào các dự án cây xanh theo chủ trương xã hội hóa đã tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong cách chăm sóc hay trồng mới cây tại Hà Nội. Nhưng với mỗi người dân, họ chẳng cần những văn bản rắc rối hay những đề tài khoa học uyên bác. Chỉ cần những cơn gió lốc vào mùa mưa bão, tất cả sẽ phần nào chứng minh được thói làm ăn cẩu thả và xem thường cộng đồng của nhiều dự án cây xanh.

Trong năm 2015, Hà Nội đã có bài học lớn về việc thay thế chặt hạ hàng loạt cây xanh. Không chỉ là bài học về cách quản lý và thi hành công vụ. Quan trọng hơn, nó còn là bài học về tầm quan trọng trong việc lắng nghe ý kiến nhân dân. Tại thủ đô Hà Nội hay ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước, việc tái quy hoạch hay làm mới môi trường cây xanh luôn phải gắn với khoa học, văn hóa truyền thống, hay cả tâm tư, tình cảm của mỗi người dân sống tại đó. Người dân có thể không được quyền phê duyệt trực tiếp chủng loại, kích cỡ hay phương pháp trồng cây. Nhưng họ, với tư cách là người được tận hưởng các tiện ích xã hội, vẫn có thể góp ý, thậm chí cùng tham gia giám sát chất lượng cũng như quá trình thực hiện.

Theo thống kê từ UBND Thành phố Hà Nội, trong số hơn 1.000 cây bị đổ sau cơn bão số 1, có không nhiều cây trồng theo hình thức xã hội hóa và vốn ngân sách thành phố (chỉ trên dưới 100 cây). Con số rất lớn cây bị đổ hầu hết đều được tiếp nhận từ các chủ đầu tư dự án khác nhau, mà danh tính các đơn vị trồng đã được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung công bố với người dân. Có thể thấy, chủ trương chỉ giao cho Công ty Công viên cây xanh là đơn vị duy nhất thực hiện trồng mới và chăm sóc cây ở cả 12 quận sẽ tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc” và dễ dàng quy trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Đó chắc chắn cũng sẽ là giải pháp khiến người dân cảm thấy tin tưởng hơn trong bài toán môi trường cây xanh ở thủ đô.

Sau cùng, bên cạnh sự minh bạch thông tin, người dân Hà thành còn rất muốn đại diện Thành phố có những kế hoạch cụ thể, dài hạn, phù hợp với cả yếu tố sinh trưởng lẫn mỹ quan của thủ đô với vấn đề cây xanh. Tại thời điểm tốc độ hóa đô thị phát triển mạnh hay chững lại như lúc này, việc bắt buộc phải thử nghiệm các dự án là rất quan trọng thay vì ồ ạt triển khai trồng cây rồi lại... chặt đi để rút kinh nghiệm.

Nếu như UBND Thành phố cũng như Sở Xây dựng đã xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường và trồng cây xanh là bắt buộc trong quá trình xây dựng, phát triển một thủ đô văn minh - hiện đại, họ sẽ nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân Hà Nội. Hy vọng, người dân sẽ không còn phải ơn những cơn bão, dù chỉ để chứng tỏ những điều họ không muốn tin, không muốn xảy ra ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN