Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Loại bỏ suy nghĩ “ai cũng sẽ thành F0”

Thứ Năm, 03/03/2022 15:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, việc số lượng người nhiễm COVID-19 có chiều hướng gia tăng cao; triệu chứng của người nhiễm COVID-19 nhẹ hơn trước đã khiến nhiều người nảy sinh “ai cũng sẽ thành F0”. Theo các chuyên gia, đây là biểu hiện của tâm lý chủ quan, lơ là, cần phải loại bỏ. Nếu không loại bỏ suy nghĩ, tâm lý chủ quan trên có thể dẫn đến những hệ lụy lớn đối với cá nhân cũng như hệ thống y tế của mỗi địa phương và cả nước…

Thời gian qua, thông tin chia sẻ của các cá nhân nhiễm COVID-19 (F0) đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… Điều này đã khiến nhiều người cho rằng việc trở thành F0 không còn nghiêm trọng như trước. Có những người khi nhiễm COVID-19 đã có tâm lý "ai rồi cũng F0 cả thôi"; “sớm muộn gì cũng thành F0”; “trước sau cũng đến lượt”… Thậm chí, có người còn cho rằng trở thành F0 rồi khỏi để đi làm, đi du lịch yên tâm hơn. Chính những điều này đã gây nên tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch ở không ít người dân. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, những suy nghĩ nói trên có thể là nguyên nhân khiến cho số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hiện nay Việt Nam đang thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Tính đến hết tháng 02/2022, cả nước đã triển khai tiêm trên 194 triệu liều vaccine phòng COVID-19; tỷ lệ người dân đã tiêm đủ liều đạt 78,9%, trong đó có gần 39% người dân đã tiêm mũi nhắc lại. Bên cạnh đó, thực tế số lượng bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hàng ngày, cả nước vẫn ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Vì vậy, người dân không nên có suy nghĩ rằng "ai cũng sẽ thành F0", bởi diễn biến tình hình sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19 tùy thuộc vào thể trạng, khả năng đề kháng của mỗi người. Đồng thời, khi một cá nhân trở thành F0 thì bản thân người đó rất có thể lại đóng vai trò là “nguồn lây” đối với người thân trong gia đình và mọi người xung quanh. Đặc biệt, đối với những gia đình có người già, người có bệnh nền mãn tính càng nên thận trọng bởi đây là đối tượng có nguy cơ trở nặng cao dù đã tiêm đủ liều vaccine. Việc ai đó lơ là rồi để trở thành F0 chẳng khác nào đánh cược với mạng sống của chính mình và người thân. Mặt khác, khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, gia tăng áp lực cho hệ thống y tế và tăng tỷ lệ tử vong vì COVID-19.

 Suy nghĩ “ai cũng sẽ thành F0” sẽ dẫn đến việc gia tăng số lượng ca F0 trong cộng đồng. (Ảnh: VT)

Trao đổi với báo chí, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19.

Về mặt dịch tễ học, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch nhưng không có nghĩa là để dịch tự do lây nhiễm. Trong mọi điều kiện, cần cố gắng hạn chế dịch lây lan để số ca F0 trong tầm kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Vì các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ngay cả sau khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với hàng hoạt triệu chứng và di chứng hậu COVID-19 như ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, xơ phổi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, rối loạn tâm lý, trầm cảm, trí nhớ giảm sút…

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero COVID-19", cả nước đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức phòng dịch của người dân giữ vai trò rất quan trọng, trực tiếp quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp hạn chế dịch lây lan, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường

Thiết nghĩ, để người dân loại bỏ suy nghĩ “ai cũng sẽ thành F0”, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới, thấy rõ những nguy cơ, hệ lụy nếu bản thân trở thành F0.

Đặc biệt, mỗi người dân cần tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của các y, bác sĩ; hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều, tuân thủ nghiêm chỉnh quy định “5K”; cảnh giác trong phòng dịch để bản thân không nhiễm COVID-19. Đó là cách tốt nhất để mỗi người bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN