Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lộ diện các "quốc gia không khói thuốc"

Thứ Ba, 08/08/2023 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mục tiêu "quốc gia không khói thuốc” sắp trở thành hiện thực tại nhiều nước. Những chuyển biến tích cực này là kết quả của việc kết hợp giữa biện pháp hỗ trợ cai thuốc hoàn toàn và cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá không khói thay thế thuốc lá điếu dành cho những người hút thuốc chưa thể cai.

Theo định nghĩa quốc tế, quốc gia không khói thuốc là nước có dưới 5% dân số hút thuốc lá hằng ngày.

Theo số liệu năm 2022 từ Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển, lượng tiêu thụ thuốc lá tại nước này đã giảm từ 16,5% năm 2004 xuống mốc 5,8% năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ 2019, sau 15 năm sụt giảm liên tục. Thành tựu này phần lớn là nhờ việc hợp pháp hóa các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn, như thuốc lá ngậm snus, túi ngậm nicotine, thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)...

Lượng tiêu thụ thuốc lá điếu ở Thụy Điển liên tục giảm từ năm 2004-2022.
(Nguồn: pmi.com)

Với đà này, Thụy Điển có thể trở thành quốc gia “không khói thuốc” đầu tiên trên thế giới trước cả năm 2030, theo mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đánh giá về thành công này, tháng 3 vừa qua tại hội thảo “Từ cách tiếp cận người dùng tại Thụy Điển đến chiến lược kiểm soát thuốc lá”, TS. Anders Milton, Chủ tịch Ủy ban Thuốc lá ngậm Snus ở Thụy Điển nhận xét: “Nếu tất cả các nước châu Âu khác làm theo Thụy Điển, sẽ có 3,5 triệu sinh mạng có thể được cứu sống trong thập kỷ tới, chỉ tính riêng tại châu lục này".

Ở Thụy Điển hiện có khoảng 1 triệu người hút thuốc đang chuyển sang sử dụng thuốc lá ngậm snus. Dù thuế tiêu thụ đặc biệt với snus tăng đến hơn 2,5 lần trong thập kỷ qua, doanh số của sản phẩm này vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Hiện quốc gia này cho lưu hành hợp pháp các sản phẩm thuốc lá đa dạng, từ thuốc lá điếu, xì gà, các sản phẩm không khói (thuốc lá ngậm, TLLN, TLĐT), thuốc lá tẩu... Trong đó, các sản phẩm không khói được tiêu thụ mạnh nhất kể từ năm 2021 và dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh đến năm 2026.

Dù vậy, nhưng Chính phủ Thuỵ Điển áp đặt biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các sản phẩm đó. Điển hình là quy định cấm cho thêm một số chất phụ gia như vitamin để tránh gây hiểu nhầm là sản phẩm có ích hoặc giảm nguy hại sức khỏe; cấm bổ sung các chất bổ sung năng lượng, các chất thiết yếu cho sự sống, cũng như các phụ gia ở dạng không cháy mà có đặc tính gây ung thư, đột biến hoặc gây hại cho sức khỏe sinh sản.

Ngoài Thụy Điển, Anh, New Zealand và Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu không khói, chủ yếu bằng biện pháp chuyển đổi thuốc lá điếu sang những sản phẩm thay thế ít tác hại hơn.

Cụ thể, vừa qua, Chính phủ Anh đã tiên phong triển khai chương trình cung cấp miễn phí các thiết bị TLĐT cho 1 triệu người dùng để hỗ trợ họ cai thuốc lá điếu, nhằm mục tiêu giảm số người hút thuốc xuống mức dưới 5%.

Còn Nhật Bản, từ xuất phát điểm là một trong những nước tiêu thụ thuốc lá điếu nhiều nhất thế giới, nay đã lội ngược dòng đầy ngoạn mục. Cụ thể, sau 8 năm hợp pháp hóa TLLN, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại Nhật đã giảm tới 44%, vượt xa con số 30% do WHO đề ra. Mặc dù TLLN, sản phẩm thuốc lá không khói phổ biến nhất tại quốc gia này, được quản lý theo Đạo luật Kinh doanh thuốc lá, nhưng các quy định áp dụng cho sản phẩm này được nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu, từ mức thuế suất (giá thấp hơn) đến cách ghi nhãn cảnh báo sức khỏe (chỉ gồm chữ, không có hình thể hiện các bệnh lý) hoặc các khu vực công cộng bị hạn chế sử dụng (cho phép sử dụng tại một số khu vực trong nhà như nhà hàng, trung tâm mua sắm, hội nghị, sân vận động…).

Một bảng hiệu tại Tokyo nêu rõ cấm hút thuốc lá điếu, nhưng cho phép sử dụng
thuốc lá làm nóng. (Nguồn: shutterstock.com)

Trong khi đó, New Zealand đã ban hành luật cấm hút thuốc lá điếu trọn đời đối với những công dân trẻ dưới 14 tuổi. Tuy nhiên đạo luật mới lại không có chế tài áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá mới lưu hành hợp pháp, bởi theo Bộ Y tế nước này, thuốc lá mới có khả năng đóng góp vào mục tiêu không khói thuốc năm 2025. Thứ trưởng Y tế New Zealand, TS Ayesha Verral cho biết, với tầm nhìn hướng đến tương lai không có khói thuốc lá, hàng nghìn người New Zealand sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và hệ thống y tế sẽ tiết kiệm được năm tỷ USD từ việc không phải điều trị các bệnh do hút thuốc, như nhiều loại ung thư, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Nhìn chung, để thành công trong việc giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu, bên cạnh việc áp dụng biện pháp kiểm soát MPOWER của WHO, các quốc gia trên vận dụng linh hoạt nhiều hướng tiếp cận như cung cấp các lựa chọn cho người hút thuốc, từ hỗ trợ cai thuốc hoàn toàn đến chấp nhận những sản phẩm giảm tác hại thay thế, khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi, để giải phóng người dân khỏi sự lệ thuộc vào thuốc lá điếu, nhằm sớm đạt mục tiêu trở thành "quốc gia không khói thuốc".

Đây cũng là cơ sở tham khảo cho các nước như ở Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ…cân nhắc bổ sung chính sách giảm tác hại vào chiến lược của quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá một cách hiệu quả./.

Hải Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN